Công nghệ hướng đích hỗ trợ đắc lực cho người tiểu đường
Các nhà khoa học tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ hướng đích cho bệnh lý đái tháo đường, giúp hỗ trợ hiệu quả giảm đường huyết, giảm các tác dụng phụ không mong muốn...
Tiểu đường dễ bị nhiễm trùng
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới WHO, từng khuyến cáo, các bệnh không lây nhiễm là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư và tim mạch là nguyên nhân gây ra trên 70% số ca tử vong trên thế giới, tương đương 41 triệu người, trong đó có tới 15 triệu người chết sớm trong độ tuổi từ 30 tới 69.
Giải thích về việc nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường, theo thông tin từ Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam, tần suất nhiễm trùng cao hơn ở người bệnh đái tháo đường là do môi trường tăng đường huyết gây rối loạn chức năng miễn dịch, gây bệnh vi mạch, biến chứng thần kinh, giảm khả năng kháng khuẩn của nước tiểu, rối loạn tiêu hóa và tiết niệu, và số lượng can thiệp y tế nhiều hơn ở những người bệnh này.
Các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan và hệ thống. Một số trong những vấn đề này được nhìn thấy chủ yếu ở những người mắc bệnh đái tháo đường, chẳng hạn như nhiễm trùng bàn chân, viêm tai ngoài ác tính, viêm niêm mạc mũi xoang và viêm túi mật. Do vậy, đái tháo đường làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng, ngoài những hậu quả trên, còn có thể gây ra các biến chứng như hạ đường huyết và nhiễm toan ceton.
“Đột phá” dành cho người bệnh tiểu đường với công nghệ hướng đích
Khi bị bệnh, cơ thể sẽ có những rối loạn trên toàn thân. Tuy nhiên, chỉ một vài vị trí trên cơ thể là có sự bất thường và cần phải xử lý. Các liệu pháp xử lý thông thường như dùng qua đường uống sẽ đưa thuốc đi đến toàn bộ cơ thể, khiến nồng độ thuốc tại vị trí mong muốn thấp do thuốc phân bố khắp cơ thể. Để thuốc tại vùng cơ quan bị bệnh đạt được nồng độ đủ tác dụng, người bệnh phải uống, hoặc tiêm lượng thuốc cao hơn so với mức cần thiết. Điều này dẫn tới thuốc thể hiện tác dụng cả ở những vùng không bị bệnh và có thể gây nên những tác dụng không mong muốn ở vùng tế bào lành.
Công nghệ hướng đích phát triển từ ý tưởng này, chính là phương pháp đưa đến thẳng đích cơ quan hay là tế bào đang mang bệnh để giải quyết và chữa trị tập trung nhất.
Với nỗ lực không ngừng, các nhà khoa học tại Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với một số nhà khoa học thuộc khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội đã nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ hướng đích cho bệnh lý đái tháo đường.
Các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu thành công hệ Berberin - Curcumin gắn Acid Glycyrrhizic hướng đích đến quá trình tân tạo glucose tại gan, gây tác dụng giảm đường huyết.
Về quá trình tân tạo glucose, đây là một chức năng của cơ thể, có vai trò tổng hợp đường glucose xảy ra chủ yếu tại gan. Chu trình này xảy ra khi đói hoặc khi cạn kiệt glycogen dự trữ. Trong trạng thái sinh lý bình thường, ở gan, protein FOX FoxO6 thường thúc đẩy quá trình tân tạo đường ở trạng thái cơ thể nhịn ăn, nhưng insulin ngăn chặn Fox06 khi cho ăn. Trong tình trạng kháng insulin, insulin không thể chặn FoxO6 dẫn đến sự tân tạo glucose liên tục ngay cả khi ăn no, dẫn đến đường huyết cao (tăng đường huyết).
Kháng insulin là đặc điểm chung của hội chứng chuyển hóa và tiểu đường typ 2 . Vì lý do này, quá trình tân tạo glucose là một mục tiêu quan trọng cho quá trình đẩy lùi bệnh tiểu đường typ 2.
Hệ hướng đích [GA (Berberin - Curcumin)] - hệ chứa Berberin và Curcumin gắn phân tử Glycyrrhizic Acid - được các nhà khoa học bào chế hạt kích thước nano từ 50-70nm, có khả năng đi qua lòng ruột, hấp thu vào máu và hướng đích chủ động vào các tế bào gan.
Nồng độ hoạt chất tại gan đạt đỉnh điểm. Tại đây, Berberin ức chế quá trình tân tạo glucose, giúp làm giảm đường huyết. Đặc điểm của cơ chế này là không gây tăng tiết insulin, vì vậy không gây cơn hạ đường huyết giống như các thuốc nhóm sulfonylurea.