Công nghệ Nga giúp tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc 'tàng hình' trước máy bay Mỹ
Các đột phá của Trung Quốc trong việc chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân đang đặt Mỹ và đồng minh vào nguy cơ không thể phát hiện những con tàu này.
Theo Reuters, cuộc chạy đua vũ trang tàu ngầm đang tăng tốc ở châu Á - Thái Bình Dương khi Trung Quốc bắt tay vào sản xuất tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ tiếp theo. Động thái này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ đặt ra thách thức với nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc theo dõi hạm đội tàu ngầm ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự và quan chức quốc phòng Mỹ đều cho biết, họ có nhiều bằng chứng chỉ ra việc Trung Quốc đang thúc đẩy việc đưa Type 096 - tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo vào trang bị từ nay đến năm 2030. Bắc Kinh dường như đã được những đột phá về công nghệ tàu ngầm cho phép chúng hoạt động êm hơn thông qua sự hỗ trợ từ Nga.
Chạy êm hơn, khó phát hiện hơn
Các báo cáo trên được đưa ra bên thềm hội thảo do Đại học Hải chiến Mỹ tổ chức, phần lớn các chuyên gia đều dự đoán tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ khó theo dõi hay phát hiện hơn trong tương lai.
“Những chiếc Type 096 sẽ là một cơn ác mộng. Chúng sẽ rất, rất khó phát hiện”, Christopher Carlson, một trong những nhà nghiên cứu cho biết.
Nỗ lực theo dõi các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc là một trong những động lực cốt lõi thúc đẩy việc tăng cường triển khai và lập kế hoạch dự phòng của hải quân Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hoạt động sẽ càng được mở rộng hơn khi Type 096 đi vào hoạt động.
Hải quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân với các tàu Type 094 cũ hơn ngoài đảo Hải Nam ở Biển Đông, Lầu Năm Góc cho biết trong một thông báo vào tháng 11 năm ngoái.
Nhưng những tàu ngầm Type 094 mang tên lửa đạn đạo JL-3 thường được coi là tương đối ồn ào - một trở ngại lớn đối với các tàu ngầm quân sự.
Báo cáo của các chuyên giao cho rằng tàu ngầm Type 096 sẽ sánh ngang với các tàu ngầm hiện đại nhất của Nga về khả năng tàng hình, cảm biến và vũ khí. Họ nói rằng việc tăng cường năng lực sẽ có tác động "sâu sắc" đối với Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhận định này một phần đến từ các bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc về phát biểu và thông tin bằng sáng chế trong sự kiện kỷ niệm 50 năm phát triển tàu ngầm hạt nhân của hải quân Trung Quốc.
Các bức ảnh vệ tinh được chụp tại Hồ Lô Đảo ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 11/2023 cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện một phần thân tàu ngầm được cho là của Type 096. Nếu quá trình đóng tàu diễn ra thuận lợi thì nhiều khả năng nó sẽ được trang bị vào năm 2030.
Hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 11/2022 tại xưởng đóng tàu mới của Trung Quốc cho thấy các phần thân chịu áp của một tàu ngầm lớn đang được gia công.
Các bài viết do truyền thông Trung Quốc đăng tải cũng trình bày chi tiết những đột phá tiềm năng trong các bộ phận cụ thể, bao gồm động cơ đẩy bằng máy bơm phản lực và các thiết bị làm giảm tiếng ồn bên trong tàu ngầm dựa trên công nghệ Nga.
Hiện Bộ quốc phòng Nga và Trung Quốc đều không trả lời câu hỏi của Reuters về vấn đề này.
Đi săn tàu ngầm Trung Quốc
Theo Carlson, ông không tin Trung Quốc đã có được công nghệ lõi của tàu ngầm hạt nhân Nga. Tuy nhiên, với những gì hiện có Bắc Kinh vẫn đủ khả năng chế tạo một tàu ngầm “tàng hình" gần giống lớp Akula cải tiến của Moskva.
“Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và theo dõi những Akula cải tiến. Điều này có thể sẽ lặp lại với Type 096”, Carlson nói.
Còn theo chuyên gia quốc phòng Collin Koh ở Singapore, báo cáo của phía Mỹ cho thấy Trung Quốc đang tăng cường phát triển tàu ngầm mới và Lầu Năm Góc muốn tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm trong tương lai.
Carlson cho biết ông tin rằng các chiến lược gia của Trung Quốc, giống như Nga, sẽ giữ các tàu ngầm tấn công hạt nhân của họ ở các vùng biển an toàn và tận dụng các khu vực tranh chấp để mở rộng vùng tác chiến.
Sự phát triển của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc được dự báo sẽ làm phức tạp hơn cuộc chiến dưới lòng biển giữa các cường quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu này sẽ giống như nỗ lực của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh nhằm săn lùng phi đội máy bay ném bom tầm xa của Liên Xô. Việc theo dõi tàu ngầm Trung Quốc đã được Mỹ nâng tầm lên một vấn đề quốc tế với sự tham gia của các nước đồng minh như Nhật Bản và Ấn Độ, Australia và Anh.
Các cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm của Mỹ đang gia tăng, cũng như việc triển khai máy bay săn ngầm P-8 Poseidon quanh Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Anh và New Zealand vận hành các phi đội máy bay săn ngầm đắt đỏ cũng chỉ để phục vụ mục đích săn lùng tàu ngầm Trung Quốc.
Việc Trung Quốc xây dựng lớp tàu ngầm hạt nhân mới cũng đang thúc đẩy một phần thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, trong đó sẽ chứng kiến việc tăng cường triển khai các tàu ngầm tấn công của Anh và Mỹ tới phía tây Australia. Đến những năm 2030, Australia kỳ vọng sẽ hạ thủy tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên theo công nghệ của Anh.
“Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng. Trung Quốc đang đi đúng hướng với thế hệ tàu ngầm mới trước khi những chiếc tàu ngầm AUKUS đầu tiên được hoàn thành. Ngay cả khi chúng sở hữu sức mạnh tương đương thì Bắc Kinh vẫn là bên có lợi thế”, chuyên gia quân sự Alexander Neill phân tích.
Ông Neill nói thêm, ngay cả khi lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc đạt đến trình độ công nghệ tương đương, họ vẫn cần phải huấn luyện tích cực và chuyên sâu trong thập kỷ tới để đối phó AUKUS.