Công nghệ pin vĩnh cửu hoạt động hàng ngàn năm
Một trong những thách thức lớn nhất khi ngành công nghệ phát triển chính là công nghệ pin có nhiều hạn chế.
Nếu thế kỷ 20 được coi là thời kỳ sản xuất năng lượng thì thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ là thời kỳ bảo tồn năng lượng. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol (Anh) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Anh (UKAEA) đã phát triển thành công pin kim cương carbon-14 đầu tiên.
Pin kim cương có tuổi thọ lên đến 5.000 năm.
Theo các nhà khoa học, loại pin này có thể hoạt động trong hàng ngàn năm nhờ vào năng lượng từ sự phân hủy của carbon-14, một đồng vị phóng xạ nổi tiếng trong khảo cổ học vì khả năng xác định niên đại. Tuy nhiên, để đạt được tuổi thọ dài như vậy, pin kim cương chỉ có thể cung cấp một lượng năng lượng rất nhỏ, khoảng vài microwatt.
Mặc dù có mức năng lượng nhỏ này nhưng pin kim cương có thể trở thành giải pháp lý tưởng cho các thiết bị cấy ghép như máy tạo nhịp tim hoặc máy bơm insulin do chúng không yêu cầu nhiều năng lượng để hoạt động. Ngoài ra, loại pin này cũng có thể hỗ trợ các nhiệm vụ thám hiểm không gian, như Voyager 1, với nhu cầu năng lượng chỉ vài watt, điều này giúp kéo dài tuổi thọ của các nhiệm vụ thêm hàng thiên niên kỷ.
Việc sản xuất pin kim cương không hề rẻ.
Một điểm đáng chú ý khác là pin kim cương carbon-14 được cho là thân thiện với môi trường hơn so với các loại pin truyền thống. Mặc dù quá trình sản xuất pin này tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng không cần khai thác các kim loại hiếm như lithium. Thay vào đó, pin này chỉ dựa vào carbon vốn là nguyên liệu phổ biến và dễ tìm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng ứng dụng của pin kim cương là chi phí sản xuất cao do quá trình chế tạo phức tạp trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro an toàn, đặc biệt là trong trường hợp pin bị vỡ có thể giải phóng đồng vị phóng xạ nguy hiểm. Do đó, việc theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng các công nghệ này trong thời gian tới là rất cần thiết.