Công nghệ số là chìa khóa giải quyết các thách thức

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước trong năm 2023; là hoạt động nhằm hướng tới sự tin tưởng, kết nối các đại biểu, nghị sĩ trẻ của các quốc gia thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.

Chia sẻ bên lề Hội nghị, các đại biểu thể hiện quan tâm lớn đến vấn đề chuyển đổi số - một nội dung chính được thể hiện ngay từ chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".

Tận dụng công nghệ số để đối phó với các thách thức

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hạ nghị sĩ Vương quốc Anh Dan Carden phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hạ nghị sĩ Vương quốc Anh Dan Carden phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Ảnh: TTXVN

Gửi lời cảm ơn chủ nhà Quốc hội Việt Nam vì công tác tổ chức chu đáo, ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đánh giá đây là một hội nghị lớn, với sự tham dự của trên 300 nghị sĩ đến từ hơn 70 nghị viện thành viên IPU. "Chúng tôi được chào đón cũng như nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, và điều đó thực sự quan trọng", ông Dan Carden bày tỏ.

Ông Dan Carden cho rằng, thế giới đang phải đối mặt nhiều thách thức đang phải đối mặt liên quan đến công nghệ như tin giả, chia rẽ xã hội, chia rẽ chính trị…, từ đó đặt ra yêu cầu phải nâng cao nhận thức chung để sử dụng công nghệ hiệu quả hơn, giải quyết những thách thức trong xã hội, giúp các cơ quan lập pháp đưa ra quyết định đúng đắn vì sự phát triển.

"Chúng ta ở đây để thảo luận về quá trình chuyển đổi số mà thế giới đang trải qua, về cách công nghệ kỹ thuật số có thể hỗ trợ chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cách chúng ta có thể sử dụng công nghệ số để chống lại biến đổi khí hậu. Tôi nghĩ đây là một chủ đề hay dành cho các nghị sĩ trẻ vì với công nghệ số, chúng tôi biết có rất nhiều thách thức", ông Dan Carden khẳng định.

Theo Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, hiện nay có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề về trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng của nó trong tương lai. Nhưng công nghệ số cũng mang lại rất nhiều cơ hội và những mặt tích cực. Điều quan trọng là cách chúng ta tận dụng điều đó để tương tác với xã hội dân sự, thông qua công nghệ số.

Ông Dan Carden cho rằng, Việt Nam là một đất nước hấp dẫn với bề dày lịch sử nhưng cũng là đất nước của tương lai. "Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới. Công nghệ kỹ thuật số sẽ là chìa khóa để giải quyết các thách thức mà Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi hy vọng qua Hội nghị, các chính trị gia trẻ tuổi của tương lai sẽ đưa ra một số quyết định quan trọng về cách thế giới đương đầu với những thách thức trong tương lai", Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU nhấn mạnh.

Các đại biểu thảo luận bên lề Phiên thảo luận chuyên đề về "Chuyển đổi số". Ảnh: TTXVN

Các đại biểu thảo luận bên lề Phiên thảo luận chuyên đề về "Chuyển đổi số". Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện thể chế để đáp ứng nhu cầu phát triển

Nhấn mạnh về vai trò của việc hoàn thiện thể chế trong quá trình thúc đẩy phát triển nói chung và chuyển đổi số nói riêng, bà Nguyễn Thị Huế, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, khi thể chế không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển, việc thực hiện sẽ rất khó khăn: "Rõ ràng là nước nào tiếp cận nhanh với vấn đề này và đưa ra những thể chế thỏa đáng, khích lệ sự thúc đẩy chuyển đổi số, nước đó sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn", bà Nguyễn Thị Huế nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, hiện nay hầu hết các quốc gia đang từng bước xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thúc đẩy chuyển đổi số. Các đại biểu đồng tình với nhận định, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Trong cuộc cách mạng này, vai trò của thế hệ trẻ được coi là then chốt.

Ông Fusanori Iwasaki, Giám đốc Viện Nghiên cứu ASEAN và Đông Á (ERIA) đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc tích cực thực hiện chuyển đổi số: "Khi Việt Nam đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam sẽ sử dụng tối đa trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số khác, đây là một thách thức. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên đặt ra mục tiêu xây dựng khung pháp lý. Tuy nhiên đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của cả các quốc gia khác".

Khẳng định những nghị sĩ trẻ sẽ có suy nghĩ rất khác so với thế hệ nghị sĩ lớn tuổi, ông Mojtaba Rezakhah, đại biểu Quốc hội Iran cho rằng, họ suy nghĩ nhiều hơn về những thách thức trên toàn cầu. "Đó là lý do vì sao vai trò của nghị sĩ trẻ ở từng quốc gia khác nhau sẽ rất quan trọng. Tôi cho rằng Hội nghị lần này ở Hà Nội rất thiết thực vì tập trung vào nhiều vấn đề đang được quan tâm, trong đó có vấn đề quản lý không gian mạng, nội dung trực tuyến và vai trò của thế hệ trẻ trong cơ quan Quốc hội", ông Mojtaba Rezakhah nói.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cong-nghe-so-la-chia-khoa-giai-quyet-cac-thach-thuc-20230916105603299.htm