Công nghệ số nâng tầm giá trị di sản ở Huế
Việc áp dụng công nghệ số đã góp phần quan trọng mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.
Thành phố Huế là nơi lưu giữ nguyên vẹn nhiều cung điện, thành quách và lăng tẩm. Đây cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam có 8 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh ở nhiều hạng mục. Những năm qua, thành phố Huế đã tập trung triển khai các ứng dụng số, không gian số, góp phần mang lại hiệu quả trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa di sản đến gần hơn với du khách.
Ngày đầu năm mới, người dân khắp nơi đổ về khu vực Đại Nội Huế chơi Tết. Tại nơi này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều chương trình phục vụ du khách vui xuân như múa Lân sư rồng, tái hiện lễ đổi gác, biểu diễn Nhã nhạc cung đình và các trò chơi dân gian. Nhiều du khách hào hứng check-in tại các điểm di tích trong Đại Nội Huế.
Một du khách chia sẻ: "Khi bước vào Đại Nội Huế, em cảm nhận được không khí Tết sôi nổi, ấm cúng, đậm chất cổ truyền. Khuôn viên Đại Nội rất rộng, nên với thời gian ngắn, du khách khó có thể tham quan hết các điểm. Nhờ công nghệ check-in hiện đại, điện thoại có gắn chip NFC sẽ hiển thị thông tin chi tiết về địa điểm đang tham quan và gợi ý thêm các điểm khác. Sau khi check-in, du khách có thể dễ dàng chia sẻ hình ảnh với bạn bè, giúp lan tỏa vẻ đẹp của di sản đến mọi người".
Tại khu vực trước phủ Nội vụ Đại Nội Huế rất đông bạn trẻ tham gia trò chơi Đế đô khảo cổ ký để tìm hiểu cổ vật của triều Nguyễn như: Đại Hồng chung, Cửu vị thần công, Cao đỉnh trong Cửu đỉnh và Ngai vàng. Du khách tỏ ra thích thú khi được tham gia trò chơi theo hình thức "khảo cổ" khám phá những chiếc hộp có những phiên bản thu nhỏ của các bảo vật ẩn giấu bên trong lớp thạch cao qua dụng cụ khảo cổ giải lập. Mỗi món đồ chơi được gắn một con chip định danh Nomion, truy cập nội dung giới thiệu chi tiết về sản phẩm, qua đó mang đến những trải nghiệm thú vị cho người du khách tham quan.
Du khách Phạm Thùy Dương, đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Huế đang nỗ lực mạnh mẽ trong việc số hóa và chuyển đổi số, kết hợp với các công ty công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Một trong những sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn là sử dụng công nghệ hộp mù, đưa thông tin về cổ vật và hoa văn vào mô hình trò chơi, mang đến kiến thức thú vị mà không có trên các trang sách".
Thành phố Huế có thế mạnh về phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, lợi thế và bản sắc riêng. Với kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng phong phú, thành phố Huế từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa di sản. Địa phương tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm này đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số như dịch vụ bán vé điện tử; quét mã QR phục vụ du khách tham quan; khai thác các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR, XR tại khu di sản Hoàng cung Huế...
Ông Huy nói: "Chúng tôi đã tiến hành định danh và triển lãm số các cổ vật. Sau khi Hải Vân Quan được đưa vào vận hành, chúng tôi tiếp tục triển khai công nghệ check-in, mang đến mô hình trải nghiệm di tích thông qua công nghệ số. Gần đây, hệ thống này đã được mở rộng tại khu vực Đại Nội với 23 điểm check-in tại các vị trí chính".
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đã và đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế triển khai rất nhiều giải pháp hữu hiệu như ứng dụng công nghệ số hóa 3D cho khách tham quan, scan số hóa các di tích... Việc áp dụng công nghệ số đã góp phần quan trọng mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Đặc biệt là việc lưu trữ, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và đưa di sản Huế đến gần hơn với du khách.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cong-nghe-so-nang-tam-gia-tri-di-san-o-hue-post1151188.vov