Công nghiệp Bình Thuận: Phát huy tiềm năng, giữ đà tăng trưởng

Trong định hướng phát triển ngành công thương vào thời gian tới, Bình Thuận vẫn xác định công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến trở thành 1 trong 3 trụ cột vững chắc của kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ…

Công nghiệp Bình Thuận

 Sản xuất - phân phối điện là nhóm ngành có đóng góp đáng kể vào sản xuất công nghiệp.

Sản xuất - phân phối điện là nhóm ngành có đóng góp đáng kể vào sản xuất công nghiệp.

Với lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện thời tiết, Bình Thuận đang tiếp tục phát huy tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước. Đặc biệt với lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, hiện địa phương đã có thêm nhiều dự án nhà máy điện mặt trời được triển khai đầu tư, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đi vào hoạt động một số nhà máy: Sông Lũy (công suất 16,2 MWp), Phan Lâm 2 (49 MWp), Hồng Phong 5.2 (48 MWp), Hàm Kiệm 1 (46 MWp)…

Đối với điện gió, năm nay trên địa bàn Bình Thuận cũng ghi nhận Nhà máy điện gió Đại Phong (40MW) đã thi công hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện vào cuối tháng 7/2020. Còn Nhà máy điện gió Thái Hòa và Nhà máy điện gió Hàm Cường 2 đang triển khai công tác bồi thường, hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng… Trong khi đó tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 cũng xúc tiến hoàn thành các thủ tục liên quan, chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Theo xu hướng phát triển, những năm gần đây công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước luôn giữ vị trí “đầu tàu” trong toàn ngành thông qua đóng góp chủ lực vào giá trị sản xuất công nghiệp Bình Thuận. Dù ảnh hưởng dịch Covid - 19, song giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2020 của tỉnh ước thực hiện 36.384 tỷ đồng, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 99,9% kế hoạch năm nay. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước đóng góp hơn 17.340 tỷ đồng (tăng 2,69% so cùng kỳ), riêng nhóm ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước có thể đạt giá trị sản xuất khoảng 18.024 tỷ đồng (tăng 18,2%).

Bước vào giai đoạn cuối năm 2020 và chuẩn bị cho năm mới 2021, công nghiệp Bình Thuận đang đứng trước những thời cơ lẫn thách thức đan xen nhau khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế thế giới còn diễn biến khó lường. Dù vậy với nỗ lực cùng cả nước đẩy lùi Covid – 19, cùng với các công trình trọng điểm đã và đang triển khai (đường cao tốc, cảng biển, sân bay…) sẽ tạo điều kiện cho địa phương sớm phục hồi nền kinh tế. Qua đó tiếp tục phát huy tiềm năng và giữ đà tăng trưởng cho công nghiệp Bình Thuận, nhất là ở lĩnh vực chế biến, chế tạo và nhóm ngành sản xuất - phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước. Theo đó kỳ vọng đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp để hoàn thành chỉ tiêu năm 2021 mà ngành công thương đề ra là phấn đấu đạt 40.132 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 10,3% so ước thực hiện năm nay…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-binh-thuan-phat-huy-tiem-nang-giu-da-tang-truong-132565.html