Công nghiệp chế biến nông sản giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Theo Sở Công thương, với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đưa công nghiệp chế biến nông sản duy trì và phát triển khá tốt, bảo đảm đầu ra và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chế biến cá tra xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp

Chế biến cá tra xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp

Bảo đảm đầu ra và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Theo Sở Công thương, ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh chiếm trên 73,97% tỷ trọng ngành công nghiệp và chiếm 11,31% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 710 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, trong đó có trên 330 DN công nghiệp chế biến nông sản. Bên cạnh đó, có 47 DN chế biến nông sản xuất khẩu với các mặt hàng: gạo, thủy sản, bánh phồng tôm và các sản phẩm sau gạo, trái cây sấy và rau củ quả sấy các loại, dầu cá, dầu gạo...

Chế biến thủy sản được xem là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 DN chế biến thủy sản, với tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm. Sản lượng sản xuất năm 2023 đạt gần 448.900 tấn. Bên cạnh đó, có 11 DN tham gia chuỗi sản xuất cá tra về chế biến dầu cá, collagen, gelatin từ da cá tra, chế biến bột cá và mỡ cá tra góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế của ngành.

Hướng đến nâng cao giá trị của ngành hàng thế mạnh này, 100% DN đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Các DN chế biến xuất khẩu cá tra đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế... đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Trên địa bàn tỉnh có 28 DN chế biến và xuất khẩu thủy sản với thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Mỹ và EU... Theo thống kê, xuất khẩu thủy sản đông lạnh năm 2023 đạt hơn 256.700 tấn, kim ngạch đạt 629 triệu USD, chiếm khoảng 48,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 174 DN đang hoạt động trong ngành chế biến lương thực (xay xát, lau bóng), công suất thiết kế khoảng 6,6 triệu tấn/năm. Hiện nay có 15% DN có quy mô lớn, đầu tư thiết bị hiện đại như: dây chuyền tự động hóa, thiết bị tách màu, tách hạt... Các DN còn lại có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong sản xuất. Tham gia vào chuỗi sản xuất chế biến lương thực còn có 10 DN chế biến các sản phẩm sau gạo, 400 cơ sở sản xuất bột gạo các loại, 26 cơ sở sản xuất củi trấu và 3 dự án đầu tư chiết xuất dầu cám.

Về công nghệ, có 46% các DN đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại đồng bộ vào sản xuất. Các DN kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay xát thóc gạo. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 DN xuất khẩu gạo với các thị trường trọng điểm bao gồm: Philippines, Singapore, Trung Quốc, Indonesia... Theo thống kê, xuất khẩu gạo năm 2023 đạt trên 530.300 tấn, kim ngạch đạt 324,42 triệu USD, chiếm 25,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Công nghiệp chế biến rau quả, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 92 DN/Hợp tác xã đang hoạt động, tổng công suất thiết kế chế biến trên 50.000 tấn thành phẩm/năm. Xoài là sản phẩm chủ lực của tỉnh, hiện có 25 DN đầu tư sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu xoài với một số sản phẩm chính như: xoài sấy dẻo, cấp đông, nước ép, rượu xoài... Ước tính sản phẩm xoài sau chế biến là 735 tấn thành phẩm/năm, tương đương 7.350 tấn xoài nguyên liệu. Đối với các sản phẩm từ sen đang được đa dạng hóa, Đồng Tháp có khoảng 25 DN sản xuất, chế biến sen thuộc các nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. Hiện có 7 DN xuất khẩu nông sản chế biến sang các thị trường trọng điểm bao gồm: Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 DN chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản với tổng công suất thiết kế khoảng 6,9 triệu tấn/năm, sản lượng sản xuất năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn. Hầu hết, các DN đều đầu tư trang bị các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Dây chuyền và thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi không ngừng được cải tiến, đầu tư công nghệ mới, mức độ tự động hóa cao. Trên địa bàn tỉnh có 6 DN xuất khẩu lĩnh vực này, với các thị trường trọng điểm là Campuchia, Philippines...

Một trong những quy trình chế biến củ sen của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (Ảnh: Mỹ Nhân)

Một trong những quy trình chế biến củ sen của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (Ảnh: Mỹ Nhân)

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo chiều sâu

Theo Sở Công thương, thời gian qua, công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục phát triển số lượng DN tham gia sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến nông sản tăng qua từng năm. Sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến nông sản ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm mới được nghiên cứu phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, thiết bị và công nghệ của ngành công nghiệp chế biến nông sản từng bước được đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất, phù hợp khả năng và nhu cầu của thị trường. Công tác đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho sản xuất chế biến được quan tâm đúng mức, tạo thuận lợi để kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến nông sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp (chiếm 11,31%), chưa phát huy được đầy đủ lợi thế so sánh, tiềm năng của tỉnh. Các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản ngành hàng rau quả phần lớn là vừa và nhỏ; việc thu hút, kêu gọi đầu tư các DN FDI, DN lớn để dẫn dắt ngành hàng còn hạn chế. Sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực còn ít, tuy có tăng về số lượng nhưng giá trị gia tăng thấp (chủ lực chính vẫn là cá tra phi lê và gạo). Mức đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa cao nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Số DN trong các ngành công nghiệp chủ lực, chế biến nông sản đạt năng lực và trình độ công nghệ sản xuất đạt mức trung bình trở lên còn thấp, chỉ khoảng 44,54%. Hệ thống logistics phục vụ chế biến nông sản mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, chi phí còn cao; mối liên kết tiêu thụ nông sản giữa nông dân và DN chưa bền vững, “dễ vỡ” khi thị trường biến động...

Trên thực tế đó, ngành công thương đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến nông sản đạt ít nhất 14,8% trong GRDP của tỉnh (giá hiện hành). Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến nông sản đạt ít nhất 8,0%/năm (giá so sánh năm 2010). Trên 50% số DN chế biến nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5 - 0,7%/năm.

Đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến nông sản đạt ít nhất 18,5% trong GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến nông sản đạt ít nhất 10%/năm (giá so sánh năm 2010). Trên 70% số DN chế biến nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,7- 1%/năm.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và thực hiện thành công các mục tiêu trong Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Công thương phối hợp cùng các sở, ngành tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp. Trong đó rà soát, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành chế biến và xuất khẩu nông sản. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến trong sơ chế bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm nông sản chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; tiếp tục mời gọi DN lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics nông sản để dẫn dắt ngành hàng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Hỗ trợ tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thương mại điện tử, trình độ chuyển đổi số cho DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã; hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thị trường trên địa bàn tỉnh. Triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, tận dụng tốt hơn cơ hội và hạn chế thách thức từ các Hiệp định FTA này để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Mặt khác, phối hợp với Bộ Công thương thực hiện tốt công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của DN; phát triển thương mại trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/cong-nghiep-che-bien-nong-san-giup-gia-tang-gia-tri-san-pham-nong-nghiep-126696.aspx