Công nghiệp điện tử: Tận dụng cơ hội để bứt phá
Công nghiệp điện tử là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác.
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất mới
Với hàng loạt doanh nghiệp điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Apple, LG, Intel… ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có thể sẽ là trung tâm sản xuất của châu Á.
Theo Bộ Công Thương, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới thông báo sẽ tham gia như Walmart, Amazon, Boeing, Carrefour, Central Group; Coppel (Mexico), IKEA (Thụy Điển); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản)... Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.Hồ Chí Minh với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỉ USD hay tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD.
Sự xuất hiện của những tập đoàn sản xuất lớn cho thấy, Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Trước đó, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mặt từ sớm tại thị trường nội địa như Intel, Samsung, LG, Qualcomm… cũng liên tục công bố mở rộng đầu tư. Đáng chú ý nhất khi cuối năm 2023, Samsung chính thức đưa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội vào hoạt động - đây là trung tâm R&D lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này trong kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu. Hiện Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ. Khoảng 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhận định, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và chúng ta phải nắm bắt cơ hội đó.
Tuy nhiên, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. “Ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương chỉ ra.
Tập trung hình thành mạng lưới doanh nghiệp nội địa tiềm năng
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử khá gắn bó với nhau, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết doanh nghiệp đều sẵn sàng chia sẻ với nhau, kể cả những kinh nghiệm sản xuất. “Thậm chí chia sẻ cả khách hàng khi có những đơn hàng lớn để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Chúng tôi còn tiến hành một công việc nữa là không chỉ là bán chung mà còn mua chung. Ví dụ có những đơn hàng mua nguyên vật liệu, nếu mua lẻ thì giá khá cao, do đó có thể triển khai công tác mua chung. Tức là các doanh nghiệp sẽ “show” đơn hàng công khai với các doanh nghiệp trong Hiệp hội để doanh nghiệp nào có nhu cầu sẽ cùng tham gia vào đăng ký mua chung” - bà Hương chia sẻ.
Đây cũng chính là một cách để tận dụng thị trường. Bởi tận dụng thị trường không phải chỉ là tận dụng để tìm kiếm đơn hàng mà còn tận dụng để tìm kiếm được những nhà cung cấp nguyên vật liệu giá rẻ, qua đó giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh sản phẩm và kéo theo đó là mở thêm được các thị trường. Bà Đỗ Thị Thúy Hương khẳng định, doanh nghiệp điện tử rất nỗ lực trong việc kết nối với đối tác trong việc tự nâng cao năng lực bản thân cũng như trong việc chia sẻ các cơ hội với nhau. Và đây chính là tiền đề để doanh nghiệp Việt có thể nâng cao giá trị nội địa trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, với Hàn Quốc đã phối hợp xây dựng nên Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK).
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã hợp tác với Samsung Việt Nam Toyota triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. “Trong đó, có Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu”- ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, Cục Công nghiệp cho rằng, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.
Với việc hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, thuế quan giảm xuống 0%, sản xuất trong nước sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, bởi người tiêu dùng khi đó được tiếp cận với sản phẩm nhập ngoại có mức giá rẻ hơn so với sản xuất trong nước. Do đó, thời gian tới Nhà nước cần sớm triển khai những nội dung trên một cách mạnh mẽ và kịp thời; các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị về năng lực cạnh tranh và công nghệ để có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và góp phần thực chất đưa Việt Nam thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử vào năm 2030.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-dien-tu-tan-dung-co-hoi-de-but-pha-299730.html