Công nghiệp điện tử Việt Nam: Thiếu nguồn lực có kỹ năng

Ngành sản xuất điện tử trong nước vẫn đang tìm kiếm phương án củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trước những yếu tố bất lợi toàn cầu.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Mặc dù Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hậu đại dịch COVID-19, nhưng ngành sản xuất điện tử trong nước vẫn đang tìm kiếm phương án củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trước những yếu tố bất lợi toàn cầu.

Đây là nhận định của bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tại Hội thảo kết nối Công nghiệp 4.0 do Ban tổ chức Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023 tại Singapore và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đồng tổ chức ngày 10/5.

Theo thống kê của VEIA, trong 10 năm trở lại đây, ngành điện tử đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp dẫn đầu trong tất cả các ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử trong năm 2022 lên tới 114 tỷ USD, chiếm trên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đóng góp đáng kể vào cân bằng ngoại hối với xuất siêu là trên 11 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường lớn nhất trong thị phần xuất khẩu ngành điện tử của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu đến 80% các linh phụ kiện điện thoại di động từ thị trường Trung Quốc; nhập khẩu máy tính và linh phụ kiện nhiều nhất cũng đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc… Có thể thấy, nhập khẩu của Việt Nam hiện phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho hay.

Tính đến nay, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã vào Việt Nam với tỷ trọng về số lượng và giá trị dự án lớn nhất là hãng Samsung; tiếp đó là LG Electronics…

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, ngành điện tử Việt Nam có khá nhiều cơ hội tăng trưởng cho trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đầu tiên, ngành điện tử Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu mặt hàng điện tử sang các thị trường khó tính do chuỗi cung ứng bị điều chỉnh sau dịch COVID-19. Xu hướng chuyển dịch đầu tư và sản xuất sang Việt Nam tạo cơ hội tăng cường thu hút nguồn vốn FDI. Thêm nữa, trong bối cảnh các nước thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và khu vực, việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là điện tử.

Mặt khác, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Cụ thể, việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc. Ưu tiên công nghệ tiên tiến, bền vững và có sức lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, nguy cơ tụt hậu xa hơn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh buộc Việt Nam phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo. Yếu tố về lao động giá rẻ hay tài nguyên sẵn có không còn là lợi thế.

Nguồn nhân lực giỏi tại Việt Nam vẫn chưa theo kịp đà phát triển của ngành điện tử toàn cầu. Việc thiếu nguồn lực về lao động có kỹ năng, tài chính và công nghệ để tiếp nhận giá trị công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ vào Việt Nam còn thấp bởi phụ thuộc lớn và năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là ở chất lượng nguồn nhân lực cũng như hạ tầng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiếu bền vững đa và đang tác động mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Trước những thách thức đó, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, VEIA đã cung cấp nhiều thông tin về ngành công nghiệp điện tử; tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ, roadshow; đưa doanh nghiệp tham dự các triển lãm; tổ chức kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Sự kiện triển lãm ITAP 2023 sắp tới sẽ là nơi tạo ra những cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp để vượt qua các thách thức của ngành.

Ông Darren Seah, Giám đốc kinh doanh của Constellar. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ông Darren Seah, Giám đốc kinh doanh của Constellar. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Ông Darren Seah, Giám đốc kinh doanh của Constellar cho biết, ITAP 2023 với mục đích giúp các doanh nghiệp có thể hiểu được tầm quan trọng của công nghiệp 4.0, giúp các quy trình làm việc hiệu quả hơn. ITAP cũng đã phát triển thành một nền tảng chiến lược dành cho các nhà sản xuất, cung cấp công nghệ cũng như các nhà lãnh đạo trao đổi ý tưởng, xây dựng mạng lưới và tìm kiếm các cơ hội đổi mới.

ITAP 2023 dưới sự phối hợp tổ chức của Constellar và đối tác quốc tế Deutsche Messe sẽ diễn ra từ ngày 18 – 20/10/2023 tại Singapore EXPO.

Sự kiện là nền tảng hàng đầu để các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 toàn cầu tiếp cận sâu sắc hơn với các thị trường mới và thị trường có sẵn, đồng thời giúp các công ty lớn trong khu vực và những đối tác liên quan trong chuỗi giá trị chủ động tạo cơ hội để tăng trưởng doanh nghiệp bền vững trong tương lai.

Với trọng tâm là các xu hướng và giải pháp mới trong sản xuất tiên tiến, sự kiện sẽ hướng người tham dự đến những đổi mới sáng tạo liên quan đến các giải pháp Nhà máy Xanh, qua đó giúp ngành công nghiệp sản xuất giảm phát thải carbon trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng không.

Sự kiện cũng sẽ giới thiệu những bước tiến mới trong máy công cụ thông minh và các sản phẩm kỹ thuật được tích hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất và được thiết kế để cải thiện năng suất thông qua tự động hóa quy trình./.

Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-thieu-nguon-luc-co-ky-nang/290712.html