Công nghiệp văn hóa Việt Nam là mỏ vàng, đừng để lãng quên
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, khi Bộ được giao tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng căn dặn: 'không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên'.
Có mỏ vàng đừng để bị lãng quên
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tiếp theo Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề phát triển du lịch nhanh và bền vững, hôm nay, Bộ VHTTDL một lần nữa vinh dự nhận được sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, đây là Hội nghị đầu tiên về công nghiệp văn hóa ở quy mô toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL nghiên cứu, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức với lời căn dặn “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”.
Trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã luôn trăn trở, chỉ đạo sát sao đối với công tác phát triển văn hóa, phát triển kinh tế trong văn hóa để văn hóa thực sự là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh đối với sự phát triển đất nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh 3 nội dung chính trong Báo cáo Trung tâm: Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa; Nhìn lại 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa những ý kiến định hướng, chỉ đạo chiến lược của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.
Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực để phát triển đất nước, từ Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tới Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đến Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17.11.2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu: “Phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch”.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 (Chiến lược 1755), xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Trong đó, Bộ VHTTDL được giao quản lý trực tiếp 5/12 ngành gồm: quảng cáo; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chiến lược 1755 xác định mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đối với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm.
Tháo gỡ thể chế, cởi nút thắt thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển
Về công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong giai đoạn 2018 - 2022: Các bộ, ngành đã rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Luật Du lịch 2017; Luật Kiến trúc 2019; Luật Xây dựng sửa đổi 2020; Luật Điện ảnh 2022, Luật Sở hữu trí tuệ 2022...
Về đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức: Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ...
Về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, một số mô hình tổ chức đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, bài bản: Nhiều chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện phù hợp với trình độ học. Chính sách đối với giảng viên, nhà giáo tham gia đào tạo, nhất là các ngành nghệ thuật đặc thù từng bước được quan tâm...
Về ứng dụng khoa học và công nghệ:Các Bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng, hoàn thiện khung dữ liệu cơ bản phục vụ cho hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp đã linh hoạt ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để phát triển đa dạng, hiện đại các sản phẩm dịch vụ văn hóa và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu.
Về việc phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa: Nhiều địa phương đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động liên quan đến công nghiệp văn hóa tại các điểm có di sản, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí…
Về hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế: Các hoạt động ngoại giao văn hóa, chương trình, đề án về kết nối, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được tổ chức thường niên đã thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm công nghiệp văn hóa, thu hút sự quan và nguồn đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.
Ba nhiệm vụ trọng tâm, sáu giải pháp đột phá
Về một số mục tiêu trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị:
Một là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hai là, Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Ba là, Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước (Quảng Ninh, Quảng Nam, Kiên Giang, Huế, Đà lạt…).
Về một số giải pháp, Bộ VHTTDL kiến nghị:
Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Thứ tư, tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn…tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các Trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế.
Thứ sáu, bổ sung Chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai đòi hỏi sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
“Tại Hội nghị này, Bộ VHTTDL xin được lắng nghe những ý kiến đề xuất, trao đổi thẳng thắn và tích cực của các quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề trọng tâm, cốt yếu để Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.