Công nhận 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia

Trong số 85 hồ sơ sản phẩm được các địa phương trình lên Trung ương đề nghị công nhận cấp 5 sao, Hội đồng đánh giá chỉ chọn được 19 sản phẩm; đã loại bỏ 66 sản phẩm với lý do sản phẩm không có sở hữu trí tuệ, chất lượng chưa gắn với nhãn hiệu, thương hiệu…

Các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm.

Các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm.

Tại cuộc họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 17/5/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng cho biết các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn những sản phẩm chưa gắn liền với đặc trưng của địa phương.

19 SẢN PHẨM ĐẠT 5 SAO

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ trưởng Tổ tư vấn số 01 của Hội đồng cho biết: Trong 85 hồ sơ thuộc nhóm thực phẩm được các địa phương đề xuất, Tổ tư vấn tiến hành thẩm định, đánh giá đợt 1 cho 30 hồ sơ.

Từ 30 hồ sơ này, đã có 19 sản phẩm được Tổ tư vấn 01 chấm trên 90 điểm, đủ điều kiện đề nghị Hội đồng OCOP cấp trung ương xem xét, công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Có 7 sản phẩm được Tổ tư vấn 01 đánh giá, chấm điểm không đạt 90 điểm. Có 4 hồ sơ sản phẩm không đáp ứng yêu cầu tối thiểu hồ sơ phải đạt.

Sau khi thảo luận, trao đổi và bỏ phiếu, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023 đã ra quyết định công nhận 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia.

“Tổ tư vấn 01 đã làm việc trên tinh thần nghiêm túc, khách quan và thảo luận trên cơ sở pháp lý, khoa học để đạt sự đồng thuận trong nhận thức, đánh giá đồng thời tôn trọng ý kiến riêng của các thành viên. Các sản phẩm này đều là các sản phẩm gắn với thế mạnh, đặc thù của địa phương, hồ sơ minh chứng đầy đủ. Tỷ trọng sản phẩm của các địa phương thuộc khu vực Nam bộ cao, tương ứng với vị trí là khu vực trọng điểm sản xuất nông lâm thủy sản của cả nước”, ông Lê Bá Anh khẳng định.

"Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền".

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Chia sẻ về sản phẩm mật hoa dừa vừa được đánh giá đạt OCOP 5 sao, ông Phạm Đình Ngãi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết: "Mật hoa dừa được sản xuất bằng công nghệ cô đặc chân không, chế biến sản phẩm nhiệt độ 55 – 60 độ C để giúp giữ lại các chất dinh dưỡng, màu sắc và mùi vị tốt nhất".

Cụ thể, vùng nguyên liệu dừa để sản xuất ra sản phẩm được trồng, canh tác và liên kết với các nông hộ Khmer theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình này còn tạo ra hướng đi mới cho ngành dừa ở Trà Vinh, giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 2 – 3 lần, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại địa phương.

Theo đánh giá của Hội đồng, chương trình OCOP đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

NHIỀU SẢN PHẨM CHƯA THỂ HIỆN NÉT ĐẶC SẮC, ĐẶC TRƯNG ĐỊA PHƯƠNG

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2023, cho biết hiện cả nước đã có trên 9.500 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh. Vì vậy, yêu cầu các sản phẩm phải nâng cao chất lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương".

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương".

“Qua công tác đánh giá, thẩm định, có thể thấy các chủ thể OCOP đã ngày càng chú trọng hoàn thiện chất lượng cũng như đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm. Đó là điều đáng mừng mà Hội đồng đã khuyến khích các chủ thể thực hiện trong thời gian qua”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn có một số vấn đề mà các chủ thể cần chú ý. Điển hình như các sản phẩm được thẩm định, đánh giá vẫn chưa thể hiện được rõ nét đặc sắc của các sản phẩm OCOP là gắn liền với đặc trưng của địa phương.

“Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm thông thường được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn với công nghệ hiện đại. Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương để phục vụ khách du lịch. Chính vì vậy sản phẩm OCOP phải có tính cộng đồng. Đó là một yếu tố quan trọng tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm trong quá trình phát triển, xây dựng câu chuyện của các sản phẩm lần này”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thông qua việc các sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm tại khu vực Nam bộ chiếm ưu thế về số lượng so với các khu vực khác, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, Chương trình OCOP đã được phát triển rộng khắp ở các vùng miền, qua đó phát huy được lợi thế của từng vùng miền.

Các sản phẩm OCOP sẽ được định hướng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Chính vì thế, từng sản phẩm phải phát huy được lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng thì các sản phẩm OCOP 5 sao còn đòi hỏi rất cao về mẫu mã, bao bì. Mẫu mã, bao bì cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, khẳng định tính chuyên nghiệp, chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng.

“Các sản phẩm OCOP luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thường xuyên quảng bá với bạn bè quốc tế, chính vì vậy sản phẩm OCOP không chỉ đảm bảo các tiêu chí trong nước mà còn phải đảm bảo được cả tiêu chuẩn quốc tế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

19 sản phẩm được công nhận hạng OCOP 5 sao trung ương năm 2023 bao gồm:

Các sản phẩm “Mật hoa dừa”, “Đường hoa dừa” của Công ty TNHH Trà Vinh FARM, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Sản phẩm “Dừa sáp sợi - VICOSAP” của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, Trà Vinh.

Sản phẩm “Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 38 độ đạm”, “Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 40 độ đạm”, “Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn 43 độ đạm”của Công ty CP thương mại Khải Hoàn, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Sản phẩm “Nước mắm Thanh Quốc 43 độ đạm”, “Nước mắm Thanh Quốc 40 độ đạm” và “Nước mắm Thanh Quốc 35 độ đạm” của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh nước mắm Thanh Quốc, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.

Sản phẩm “Hạt điều rang muối”, “Hạt điều rang không muối” và “Hạt điều nhân trắng” của Công ty CP Hà My, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước.

Sản phẩm “Trà hoa vàng Quy Hoa” của Công ty TNHH TMDV và Xuất nhập khẩu Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Sản phẩm “Trà đinh cao cấp Hoài Trung” của Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Sản phẩm “Kẹo dừa ca cao”, “Kẹo dừa sầu riêng lá dứa”, “Kẹo dừa gừng” và “Kẹo dừa sầu riêng” của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, phường 7, thành phố Bến Tre, Bến Tre.

Sản phẩm “Hạt sen sấy” của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-nhan-19-san-pham-dat-chung-nhan-ocop-5-sao-cap-quoc-gia.htm