Công nhân còn nhiều trăn trở

Cuối năm thường là dịp người lao động (NLĐ) tăng năng suất làm việc để tăng thu nhập, có thêm chi phí về quê đón Tết, sum vầy cùng gia đình.

Bà Nguyễn Tường Vi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Thành cùng cán bộ Công đoàn cơ sở động viên công nhân tại xưởng sản xuất. Ảnh: B.Mai

Bà Nguyễn Tường Vi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Thành cùng cán bộ Công đoàn cơ sở động viên công nhân tại xưởng sản xuất. Ảnh: B.Mai

Còn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2025, nhiều NLĐ cho biết, vì những nguyên nhân khác nhau họ đành đón Tết xa quê để tiết kiệm chi phí, chấp nhận lỗi hẹn với gia đình, người thân và quê hương.

Nhiều tâm tư, trăn trở

Dịp Tết năm nay, gia đình chị Lê Thị Nguyệt (quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lựa chọn đón Tết tại Đồng Nai vì không đủ chi phí về quê. Bên bữa cơm tối cùng chồng và các con sau giờ tan ca, chị Nguyệt trầm ngâm cho biết, giá cả thực phẩm leo thang, giá điện cũng tăng trong khi đồng lương ít ỏi khiến bữa cơm gia đình chị đạm bạc hơn. Vì hoàn cảnh mà 4 năm qua, gia đình phải đón Tết xa quê. Nhiều lần nhìn cảnh đồng nghiệp cùng dãy trọ sửa soạn về quê đón Tết, chị nặng trĩu nỗi buồn vì nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Còn anh Đình Văn Niên, làm việc tại một công ty ở huyện Vĩnh Cửu đã 9 năm nhưng đến nay, thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Theo anh Nên, anh đã nếm trải nhiều vất vả khi làm công nhân, nhất là những lúc tăng ca, làm ca đêm… Chật vật là vậy nhưng cuối năm, gia đình anh vẫn không có một khoản tiền tích lũy dự phòng.

Tại Hội nghị giao ban hoạt động Công đoàn vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp Công đoàn nắm chắc vấn đề lương, thưởng Tết tại DN; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và chi trả lương đối với NLĐ. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực chăm lo Tết 2025 cho đoàn viên, NLĐ.

Theo anh Nên, về quê dịp Tết, ngoài tiền vé xe cao, anh còn phải chuẩn bị thêm khoản tiền mua sắm đồ ấm cho con và quà cho người thân. Bao nhiêu thứ phải lo khiến anh phải tính toán và cân nhắc. “Vì thế, năm nay tôi lại chấp nhận đón Tết xa quê. Tôi buồn, lòng nôn nao, nhất là khi chứng kiến bữa cơm đầm ấm, sum vầy ngày Tết của các gia đình. Mong là năm 2025, công việc, thu nhập của vợ chồng tôi sẽ khởi sắc hơn”- anh Nên chia sẻ.

Chị Lê Thị Hà, công nhân sản xuất gỗ tại phường Long Bình (thành phố Biên Hòa) cho biết những ngày qua, chị trằn trọc không ngủ khi nghĩ đến chuyện về quê ngày Tết. Hơn 5 tháng qua, công ty nơi chị làm việc đơn hàng ít, một tuần chị làm việc 4 buổi khiến thu nhập giảm gần một nửa. Là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ nên gánh nặng mưu sinh càng đè lên đôi vai của chị. Hiện tại công ty chưa thông báo kế hoạch thưởng Tết nên chị Hà chưa dám mua vé xe về quê.

Chị Hà bộc bạch: “Mỗi dịp Tết đến, nhìn dòng người xuôi ngược về quê khiến những người xa xứ như tôi càng thêm nhớ nhà. Hy vọng năm nay công ty có thưởng Tết để mẹ con tôi về quê sum vầy cùng người thân”.

Mong ngóng thưởng Tết

Đồng Nai hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó phần lớn lao động ngoại tỉnh và đang sinh sống trong các khu nhà trọ gần nơi làm việc. Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã công bố thưởng Tết để động viên công nhân sản xuất. Mức thưởng Tết cao hơn hoặc bằng năm ngoái, nhưng cao nhất là 2 tháng lương. Các DN đưa ra nhiều giải pháp giữ chân NLĐ, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết như: thưởng ngày làm việc đầu năm mới, hỗ trợ vé xe khi NLĐ quay trở lại công ty làm việc, thăm, tặng quà công nhân nhà trọ...

Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát tình hình việc làm, thu nhập và tâm tư, nguyện vọng công nhân tại nhà trọ phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa).

Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát tình hình việc làm, thu nhập và tâm tư, nguyện vọng công nhân tại nhà trọ phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa).

Bên cạnh những DN quan tâm bằng những chính sách thiết thực và sớm thông báo thưởng Tết, động viên công nhân kịp thời, còn nhiều DN chưa lên kế hoạch thưởng Tết. Chị Lê Thị Cẩm Hồng, công nhân ở trọ phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) cho hay, dãy trọ của chị có 300 công nhân ở trọ mức giá từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Hầu hết NLĐ ở trọ đều đang ngóng tiền thưởng cuối năm để có chi phí trang trải. Chị Hồng hy vọng mức thưởng Tết năm nay sẽ bằng mọi năm để công nhân đỡ phần nào khó khăn với cuộc sống xa quê.

Thời gian qua, thực trạng DN nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương hoặc chủ DN bỏ trốn vẫn diễn ra dẫn đến hàng trăm công nhân rơi vào cảnh lao đao. Đây cũng là nguyên nhân khiến NLĐ khó có cái Tết trọn vẹn bên gia đình vì không có tiền về quê. Nhiều công nhân cho biết, cả năm làm việc vất vả chỉ mong cuối năm có thêm tiền thưởng để về quê, song không phải DN nào cũng thấu hiểu khó khăn của NLĐ để có mức thưởng xứng đáng.

Tại các hội nghị giao ban hoạt động Công đoàn 10 tháng đầu năm 2024 do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, nhiều cán bộ Công đoàn trăn trở, NLĐ vì nhiều lý do bị mất việc, giảm việc nên cuối năm, họ không dám nghĩ đến chuyện về quê đón Tết. Do đó, thời điểm này, NLĐ rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và tổ chức Công đoàn hỗ trợ bằng nhiều cách để NLĐ đón một cái Tết ấm áp, trọn vẹn. Từ đó, tạo động lực để NLĐ yên tâm gắn bó với DN, địa phương, hạn chế được sự dịch chuyển lao động.

Đồng hành cùng NLĐ trong thời điểm cuối năm, Công đoàn các cấp đã triển khai kế hoạch tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân. Trong đó, dự kiến sẽ tặng 82 ngàn phần quà cho đoàn viên, NLĐ khó khăn; hỗ trợ 2 ngàn vé tàu cho NLĐ nhiều năm không về quê đón Tết. Ngoài ra, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ công nhân vui Xuân - đón Tết cùng nhiều chương trình ý nghĩa khác. Qua đó, góp phần mang Tết vui tươi, đầm ấp, đong đầy yêu thương đến công nhân lao động.

Để chăm lo tốt đời sống công nhân, một số DN đổi mới các chương trình phúc lợi cho NLĐ. Điển hình như chương trình Chuyến xe hạnh phúc tại Công ty TNHH Pouphong Việt Nam (huyện Trảng Bom). Đây là hoạt động với mục đích thăm hỏi gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo tại nhà ở, nhà trọ và được đẩy mạnh dịp cuối năm. Với những giá trị mang lại, chương trình thực sự đã trở thành cầu nối ý nghĩa, gắn kết NLĐ với lãnh đạo công ty và lan tỏa tinh thần nhân văn trong cộng đồng.

Lan Mai

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy:

Đẩy mạnh chăm lo đời sống công nhân

Thời điểm này, Công đoàn các cấp đang tập trung nguồn lực chăm lo Tết Nguyên đán 2025 cho đoàn viên, NLĐ. Trong đó, ngoài hỗ trợ vé tàu, máy bay, họp mặt, Công đoàn sẽ tặng hàng ngàn phần quà cho lao động khó khăn, lao động bị bệnh và không về quê đón Tết. Ngoài ra, tổ chức chương trình Chợ tết Công đoàn với các gian hàng phục vụ công nhân mua sắm Tết.

Trong tháng 12 tới, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức đám cưới tập thể cho 11 cặp đôi công nhân. Đây là hoạt động mới thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, góp phần cùng công nhân xây dựng gia đình hạnh phúc.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tessellation Đồng Nai (thành phố Biên Hòa) Dương Minh Tâm:

Quan tâm chất lượng cuộc sống công nhân lao động

Xác định NLĐ là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của DN, những năm qua, lãnh đạo công ty quan tâm nâng cao đời sống để công nhân yên tâm sản xuất. Nhất là dịp cuối năm, các hội thi thể thao được đẩy mạnh, tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân rèn luyện sức khỏe. Hiện phong trào thi đua sản xuất của công nhân rất hăng say để đạt kế hoạch sản lượng năm. Công ty sẽ tổ chức tiệc tất niên cuối năm để gặp gỡ và khen thưởng công nhân xuất sắc sau một năm gắn bó.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất Toàn Cầu Lixil Việt Nam (huyện Long Thành) Nguyễn Quốc Hệ:

Mong DN tiếp tục duy trì các chính sách cho công nhân

Tôi đã có 5 năm gắn bó với công ty và rất hài lòng về môi trường làm việc cũng như chính sách tại đây. Ban giám đốc công ty và Công đoàn luôn nghĩ tới những phúc lợi cho công nhân, đặc biệt dịp lễ, Tết, sinh nhật… Hàng năm, công ty tổ chức các chuyến du lịch để công nhân được nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống sau giờ làm.

Năm 2024, công ty khó khăn về đơn hàng nhưng vẫn thưởng Tết cho NLĐ 2 tháng lương. Năm nay, công ty chưa công bố những đã có kế hoạch giữ mức thưởng như năm ngoái nên chúng tôi rất phấn khởi. Đó là những chính sách để công nhân gắn bó, làm việc trách nhiệm vì sự phát triển củaDN.

Công nhân Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai (Việt Nam) H’Thảo Brông:

Công đoàn cần có nhiều phúc lợi dành cho công nhân

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mức lương thấp nên tôi đã kết hôn lâu năm nhưng không có điều kiện tổ chức đám cưới. Vừa qua, tôi đã đăng ký tham gia lễ cưới tập thể do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Đây là niềm ao ước của nhiều công nhân khó khăn mong một lần được đứng trên lễ đường, được mọi người chung vui.

Tại đám cưới tập thể, chúng tôi được tặng nhẫn cưới, áo dài và được hỗ trợ chi phí, cơ sở vật chất cho đám cưới. Hy vọng tổ chức Công đoàn sẽ có nhiều chương trình phúc lợi như trên để cuộc sống công nhân ngày càng cải thiện.

Nguyễn Hòa (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202411/cong-nhan-con-nhieu-tran-tro-0e80d3d/