Công nhân ô tô Mỹ đình công, sản xuất đình trệ và thiếu phụ tùng
Hiệp hội Công nhân ô tô Mỹ (UAW) đã phát động các cuộc đình công cùng lúc tại General Motors, Ford Motor và công ty mẹ Stellantis của Chrysler, gây ra tình trạng đình trệ sản xuất và thiếu phụ tùng trong ngành này.
Cuộc đình công rộng lớn của công nhân đã sớm gây ra ảnh hưởng lớn cho ngành sản xuất ô tô của Mỹ, khi gây ra tình trạng thiếu phụ tùng và trì hoãn sản xuất, đặc biệt ở 3 nhà máy sản xuất các mẫu ô tô hàng đầu là Ford Bronco, Jeep Wrangler và Chevrolet Colorado, cùng với các mẫu xe phổ biến khác.
Tại một cuộc biểu tình vào chiều thứ Sáu, các thành viên công đoàn đã phản đối mạnh mẽ và đặc biệt nhắm tới hệ thống lương hai bậc khiến những người mới tuyển dụng bị trả lương hoặc có phúc lợi thấp hơn hẳn so với những công nhân bậc cao. Họ nói rằng điều đó là không công bằng và các hãng ưu ái các nhà đầu tư hơn là người lao động.
Chủ tịch UAW Shawn Fain cho biết: “Chúng tôi sẽ không phá hủy nền kinh tế. Sự thật là chúng tôi sẽ phá hủy nền kinh tế tỷ phú”. Hiệp hội này đang yêu cầu chia sẻ lợi nhuận lớn hơn, tuần làm việc ngắn hơn, khôi phục lương hưu và đảm bảo việc làm tốt hơn khi các nhà sản xuất ô tô chuyển sang xe điện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty ô tô thưởng cho công nhân ngay khi lương của các giám đốc điều hành tăng lên. Ông nói: “Các công ty đã đưa ra một số lời đề nghị quan trọng nhưng tôi tin rằng họ nên tiến xa hơn nữa để đảm bảo lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục đồng nghĩa với những mức lương kỷ lục”.
Các công nhân đình công cho biết nhân viên "cấp hai" chỉ có thể kiếm được một nửa mức lương theo giờ của công nhân cấp cao trong ngành này và nhận được những phúc lợi tồi tệ hơn.
Bruce Baumhower, Chủ tịch UAW phụ trách địa phương cho biết mức lương khởi điểm cho công nhân cấp hai là 15,78 USD mỗi giờ hiện ngang bằng với các nhà hàng thức ăn nhanh và không thay đổi kể từ khi được thiết lập 14 năm trước, khi ngành công nghiệp ô tô rơi vào tình trạng phá sản. Ông nói thêm: “14 năm sau, công nhân của chúng tôi vẫn phá sản”.
Hoàng Anh (theo Reuters)