Công nhân sáng tạo: Nền móng cho phát triển trong kỷ nguyên mới

'Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới' là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2025.

Mỗi người lao động đều góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Tháng Công nhân năm 2025 với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” đã chính thức được phát động ngày 26/4/2025 với 5 nhóm nội dung hoạt động, trong đó phải kể đến chương trình “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.

159 năm trước, ngày 1/5/1866, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi…”. Phong trào này lan ra khắp nước Mỹ đã khiến giới chủ buộc phải chấp nhận yêu cầu của công nhân. Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II diễn ra sau đó hơn 1 tháng đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

Tại Việt Nam, ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Gần 80 năm qua, ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Từ thời khắc lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5 ra đời, người lao động khắp năm châu đã trải qua bao thăng trầm, gắn bó với từng bước chuyển mình của xã hội cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ. Ngày nay, Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là ngày kỷ niệm của giai cấp công nhân toàn thế giới, mà còn là dịp để nhìn lại vai trò, vị thế của người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bước vào chu kỳ chuyển đổi mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sáng tạo.

Chủ đề của Tháng Công nhân năm 2025 là “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Chủ đề của Tháng Công nhân năm 2025 là “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Với Việt Nam, chủ đề “Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới” của Tháng Công nhân năm 2025 không phải là một khẩu hiệu mang tính hình thức, mà là một tuyên ngôn thời đại cho một lực lượng đang từng ngày góp phần định hình lại năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, tạo tiền đề vững chắc cho một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong một thời gian dài trước đây, vai trò của công nhân chủ yếu được nhìn nhận qua năng lực “làm”. Đó là làm ra sản phẩm, vận hành máy móc, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu mới về phát triển bền vững đang làm mờ ranh giới giữa người lao động chân tay và lao động trí óc. Năng lực của người lao động còn thể hiện nhiều hơn ở sáng kiến, sáng tạo và đổi mới. Theo báo cáo “Future of Jobs 2023” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hơn 44% kỹ năng cốt lõi của người lao động sẽ thay đổi trong vòng 5 năm tới. Trong đó, các nhóm kỹ năng về sáng tạo, tư duy phản biện, học tập linh hoạt và khả năng làm việc với công nghệ sẽ chiếm vai trò ngày càng quan trọng.

Ở Việt Nam, số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2024 năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu đề ra là tăng bình quân 4,8 - 5,3% trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Quốc hội. Đáng nói, sau 3 năm không đạt chỉ tiêu, đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động. Có thể xem đây là động lực góp phần cho tăng trưởng sản xuất, tạo đà tăng GDP của năm 2025 và những năm tiếp theo.

Khi người công nhân cũng là kiến trúc sư của đổi mới

“Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”, nội dung trọng tâm của Tháng Công nhân 2025 nhằm khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát triển các kỹ năng của mỗi người lao động. Lao động sáng tạo không nằm ở cấp bậc, mà nằm ở tư duy. Vì thế, sáng tạo không chỉ thuộc về các kỹ sư, nhà khoa học hay quản lý cấp cao mà có thể ở mỗi người lao động đang thực hiện công việc hằng ngày, thậm chí là với cả những người chưa từng qua trường lớp đào tạo.

Trên thực tế, ở cấp độ sản xuất, những người trực tiếp thao tác là người hiểu rõ nhất điểm nghẽn trong quy trình, cũng chính họ là người có thể đề xuất ra những cải tiến đơn giản nhưng hiệu quả. Sáng tạo cũng không nhất thiết phải là phát minh lớn, mà chính là khả năng đặt lại câu hỏi về cái đang có, thay đổi cách làm cũ và đưa ra giải pháp tốt hơn với nguồn lực hiện tại. Đó là tư duy tinh gọn, là nền tảng của năng suất cao và sản xuất thông minh, đây là những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Kỷ nguyên mới không chỉ là thời đại của công nghệ, mà là thời đại của con người thích ứng cùng công nghệ. Ảnh: Ngọc Anh

Kỷ nguyên mới không chỉ là thời đại của công nghệ, mà là thời đại của con người thích ứng cùng công nghệ. Ảnh: Ngọc Anh

Với ngành Công Thương, thông tin từ Công đoàn ngành cho biết, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là trên 90 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sáng kiến, giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2025 của ngành Công Thương, diễn ra ngày 29/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, các tổ chức công đoàn và đoàn viên công nhân, người lao động trong toàn ngành cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, xung kích. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các tổ chức công đoàn phát huy tinh thần đi đầu trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số..., tạo nền tảng vững chắc cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Kỷ nguyên mới không chỉ là thời đại của công nghệ, mà là thời đại của con người thích ứng cùng công nghệ. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực Công Thương, một ngành trọng yếu của nền kinh tế và là nơi hội tụ hàng triệu lao động trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, chế tạo, hóa dầu, khai khoáng, may mặc, sản xuất điện tử và cơ khí. Những yêu cầu mới như giảm phát thải, áp dụng tiêu chuẩn ESG và ứng dụng công nghệ số đang buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc mạnh mẽ, mà chìa khóa nằm ở chính người lao động tuyến đầu.

Nếu lực lượng này không được tiếp cận công nghệ, không được trang bị kỹ năng sáng tạo và phản biện, thì dù đầu tư máy móc hiện đại đến đâu, hiệu quả sản xuất vẫn sẽ bị giới hạn. Câu chuyện chuyển đổi số không thể chỉ bắt đầu từ phần mềm, mà phải bắt đầu từ tư duy sáng tạo ở từng vị trí công việc. Và để sáng tạo lan tỏa tới mỗi người lao động thì cần một hệ sinh thái mà trong đó công nhân được đào tạo liên tục, được trao quyền đề xuất, được ghi nhận xứng đáng.

Sáng tạo của công nhân không còn là “giá trị cộng thêm”, mà phải trở thành nền tảng để tồn tại và phát triển. Mỗi cải tiến trong nhà máy, mỗi đề xuất trong xưởng sản xuất, mỗi bước thay đổi trong thao tác… đều là một bước tiến tới năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và vị trí vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nhân sáng tạo, vì thế không phải là hình tượng lý tưởng để tôn vinh trong một tháng, mà là chân dung thực tế cần được đầu tư, tôn trọng và phát triển lâu dài. Muốn bước vào kỷ nguyên mới với vị thế mới, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng người lao động mà bắt đầu từ việc khơi dậy và phát huy trí tuệ, óc sáng tạo trong từng bàn tay, khối óc của người công nhân hôm nay.

Phát biểu tại lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế số hóa toàn cầu vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, đòi hỏi giai cấp công nhân Việt Nam phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển các kỹ năng số, nâng cao năng suất lao động, giữ vững vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nhan-sang-tao-nen-mong-cho-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi-385613.html