Kinh tế Mỹ suy giảm 0,3% trong quí 1
Trong quí 1, nền kinh tế Mỹ suy giảm với tốc độ hàng năm 0,3%, đánh dấu lần đầu tiên thụt lùi kể từ năm 2022 do làn sóng nhập khẩu tăng vọt khi doanh nghiệp Mỹ chạy đua tích trữ hàng trước khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan.

Container hàng hóa nhập khẩu ở cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AP
Theo dữ liệu hôm 30-4 của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm hàng năm 0,3% trong quí 1, đảo ngược mức tăng 2,4% trong ba tháng cuối năm 2024.
Nhập khẩu tăng trưởng với tốc độ 41%, nhanh nhất kể từ năm 2020, làm giảm 5 điểm phần trăm tăng trưởng của quí 1. Chi tiêu tiêu dùng cũng chậm lại đáng kể, chỉ tăng 1,8% so với 4% trong quí 4 năm ngoái. Chi tiêu chính phủ liên bang giảm mạnh 5,1% trong quí đầu.
Thị trường tài chính Mỹ lao dốc sau khi số liệu GDP được công bố. Chỉ số Dow Jones giảm 400 điểm ngay khi thị trường mở cửa. Chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 2%. Tuy nhiên, các chỉ số này phục hồi vào cuối phiên vì nhà đầu tư tin rằng, sụt giảm GDP chỉ là tạm thời.
Làn sóng nhập khẩu mạnh nhất của Mỹ kể từ năm 1972, nếu không tính thời kỳ Covid-19, có khả năng sẽ đảo ngược trong quí 2, giảm bớt gánh nặng cho GDP. Vì lý do này, Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics dự báo, tăng trưởng quí 2 của Mỹ sẽ phục hồi lên mức 2%.
Thâm hụt thương mại làm giảm GDP của Mỹ nhưng đây chủ yếu là do cách tính toán. GDP của Mỹ chỉ tính sản lượng trong nước nên hàng hóa nhập khẩu, được xem là chi tiêu tiêu dùng trong báo cáo GDP sẽ bị loại ra. Giá trị nhập khẩu phải được trừ đi nhằm tránh việc giá trị hàng hóa nước ngoài làm tăng giả tạo sản lượng trong nước.
Tuy nhiên, các khía cạnh khác trong báo cáo GDP cho thấy nền kinh tế vẫn vững mạnh vào đầu năm. Một chỉ số trong dữ liệu GDP, đo lường sức mạnh nền tảng của nền kinh tế, tăng trưởng hàng năm ở mức 3% trong quí 1. Chỉ số này bao gồm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, nhưng loại bỏ các yếu tố biến động như xuất khẩu, tồn kho và chi tiêu chính phủ.
Dù vậy, nhiều nhà kinh tế nhận định, các mức thuế nhập khẩu cao của ông Trump và cách áp dụng thất thường sẽ gây tổn hại tăng trưởng trong nửa cuối năm, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái.
“Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm nay. Sự bất ổn dai dăng và thuế nhập khẩu cao hơn sẽ kéo tăng trưởng GDP trở lại mức âm vào cuối năm”, Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics viết trong báo cáo gửi khách hàng.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy giá cả nhích lên trong quí 1, có thể khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) thận trọng về khả năng hạ lãi suất. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng hàng năm 3,6% trong quí 1, cao hơn so với mức 2,4% trong quí trước.
Ryan Sweet, nhà kinh tế của Oxford Economics nhận xét, số liệu GDP quí đầu đặt Fed vào tình thế khó khăn. Fed phải cân nhắc giữa việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc giữ lãi suất cao do lạm phát tăng.
“Nền kinh tế Mỹ gần như đình trệ trong ba tháng đầu năm trong khi lạm phát tăng tốc, làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ”, Ryan Sweet bình luận.
Tổng thốngTrump thừa hưởng một nền kinh tế vững mạnh, tăng trưởng ổn định bất chấp lãi suất cao mà Fed áp đặt trong năm 2022 và 2023 để chống lạm phát. Tuy nhiên, chính sách thương mại thất thường của ông, bao gồm thuế 145% với Trung Quốc, đã làm tê liệt doanh nghiệp, đe dọa tăng giá và gây tổn thương cho người tiêu dùng.
Đảng Dân chủ nhanh chóng chỉ trích ông Trump vì làm gián đoạn nhiều năm tăng trưởng kinh tế ổn định.
“100 ngày sau khi nhậm chức, các chính sách thuế quan chập chờn của ông Trump đang khiến nền kinh tế co lại, với các doanh nghiệp tích trữ hàng nhập khẩu để ứng phó thuế quan”, Thượng nghị sĩ đang Dân chủ Elizabeth Warren nói.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump đổ lỗi GDP suy giảm là do các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng gọi GDP quí 1 là chỉ số nhìn lại quá khứ. “Không có gì ngạc nhiên khi những tàn dư từ thảm họa kinh tế của ông Biden lại là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói.
Theo AP
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-my-suy-giam-03-trong-qui-1/