Công nhân vẫn khó trăm bề
Chỗ ở chật hẹp, chất lượng bữa ăn và môi trường làm việc chưa bảo đảm, còn bị vi phạm về quyền lợi... là những khó khăn mà nhiều công nhân ngoại tỉnh đang đối diện
"Những năm qua, những vấn đề bức xúc của công nhân (CN) trong các KCX-KCN đã được chính quyền TP quan tâm giải quyết, giúp đời sống CN từng bước cải thiện và có thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của CN, thực tế, họ vẫn còn đối diện nhiều khó khăn như điều kiện nhà ở kém, khó tìm nơi gửi trẻ, điều kiện vui chơi, giải trí còn hạn chế" - ông Trần Công Khanh, Trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP HCM, đã chia sẻ tại hội thảo khoa học "Chất lượng cuộc sống của CN TP HCM hiện nay", do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức sáng 10-10.
Thiếu công trình tiện ích
Theo ông Trần Công Khanh, từ khi đề án "Tạo lập quỹ đất xây dựng các công trình tiện ích phục vụ CN tại KCX-KCN" được UBND TP chấp thuận, đến nay có 16 dự án nhà lưu trú cho CN, 18 trường mầm non dành cho con CN, 26 công trình tiện ích được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu bức thiết của CN. Tuy nhiên, số các công trình này so với 290.000 lao động (trong đó 70% là CN ngoại tỉnh) vẫn còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông CN.
Từ thực trạng trên, ông Khanh đề nghị TP cần hạn chế thu hút đầu tư các nhóm ngành thâm dụng lao động và có chính sách hỗ trợ lãi vay, ưu đãi về thuế để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, giảm sử dụng lao động phổ thông nhằm giảm áp lực cho TP về hạ tầng xã hội. "Ngoài ưu tiên dành quỹ đất sạch để xây dựng nhà lưu trú và trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của CN, TP cần nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội" - ông Khanh đề xuất.
Bên cạnh nhà ở và nhà giữ trẻ, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề CN đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Đại Ngọc - Phó trưởng Phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm Ban Quản lý ATTP TP HCM - nhìn nhận hiện nay, chất lượng bữa ăn giữa ca của CN chưa được luật hóa mà còn tùy thuộc vào ý thức của chủ DN. Ông Ngọc cho rằng: "Giá suất ăn thấp thì không thể bảo đảm vệ sinh ATTP chứ chưa nói đến chất lượng dinh dưỡng. Mặt khác, CN có thói quen mua hàng ở chợ tự phát tại các KCX-KCN do giá rẻ cũng là một vấn đề cần lưu tâm. TP đang nhân rộng mô hình chợ ATTP đến các quận, huyện, vì vậy để nâng cao chất lượng sống của CN, bên cạnh việc xây dựng quy định về suất ăn giữa ca, cần vận động CN hình thành thói quen mua hàng hóa ở những nơi bảo đảm".
Đồng bộ giải pháp để bảo vệ người lao động
Vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống CN chính là thu nhập thấp, thậm chí ở nhiều nơi CN vẫn bị vi phạm quyền lợi cơ bản, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết từ năm 2018 đến giữa năm 2019, thanh tra sở đã phối hợp các đơn vị liên quan thanh tra khoảng 550 DN, qua đó phát hiện và xử phạt nhiều sai phạm như không ký hợp đồng lao động, không xây dựng thang - bảng lương, nổi cộm là tình trạng DN nợ và trốn đóng BHXH. Bà Thục cho rằng: "Thủ tục khởi kiện các DN sai phạm về BHXH hiện nay còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống CN. Để bảo vệ người lao động (NLĐ), các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn việc DN trốn đóng BHXH". Bà cũng kiến nghị nên có quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với NLĐ trong trường hợp DN mất khả năng thanh toán hay bỏ trốn.
Vấn đề an toàn lao động cũng đáng báo động. Theo TS Nguyễn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động TP HCM - năm 2018, cả nước xảy ra hơn 8.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), cướp đi mạng sống của 1.039 CN, trong đó TP HCM có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất cả nước, đáng báo động là trong lĩnh vực xây dựng. Phân tích nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thì lỗi thuộc về DN vẫn chiếm tỉ lệ cao, điều đó cho thấy tình trạng DN, nhất là DN vừa và nhỏ, vi phạm về an toàn vệ sinh lao động. "TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của những người vốn là trụ cột gia đình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng khiến nhiều gia đình tan nát. Vì vậy, giám sát và xử phạt vi phạm về an toàn lao động cần phải thỏa đáng. Mặt khác, khi đi thực tế, tôi nhận thấy CN chỉ nghe Công đoàn, do đó Công đoàn phải nâng cao vai trò của mình trong việc phòng ngừa TNLĐ" - ông Hải nói.
Ông KIỀU NGỌC VŨ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Quan tâm đào tạo nghề cho công nhân
Việc nâng cao chất lượng cuộc sống của CN phải dựa trên các tiêu chí tăng lương, giảm giờ làm và đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho họ. Chúng ta phải tiếp tục kiến nghị Chính phủ công bố mức sống tối thiểu hằng năm để khuyến cáo DN xây dựng cơ chế trả lương tương xứng. Bên cạnh đó, cần giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần còn 44 giờ/tuần để NLĐ có thời gian chăm sóc gia đình. Có như vậy, cuộc sống của họ và con cái họ mới tốt hơn. Nhà nước cũng cần khuyến cáo DN tăng cường quản trị, đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động và đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho CN, làm sao để khi DN chuyển đổi công nghệ thì CN phải vận hành tốt máy móc, bảo đảm việc làm.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-van-kho-tram-be-20191010211743639.htm