Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương được thực hiện ra sao?

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương.

Tại đây, đoàn đã kiểm tra một số nhà hàng tại khu vực bến Thiên Trù. Năm nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống được sắp xếp quy củ hơn trước.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương.

Tại thời điểm kiểm tra, các nhà hàng đã tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; niêm yết công khai giá các mặt hàng thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh các bát ăn đều đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở cần duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng bảo quản, che đậy thực phẩm.

Theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ, tại lễ hội chùa Hương năm nay, có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Tính đến ngày 23/2, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm của huyện đã kiểm tra được 12/97 cơ sở. Kết quả phát hiện 5 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 7,2 triệu đồng.

Theo ông Tráng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại đây chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình kinh doanh theo thời vụ nên khó khăn cho công tác quản lý.

Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết; nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.

Nói về các biện pháp quản lý thời gian tới, theo ông Tráng, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân và du khách cũng nên nâng cao ý thức, cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm.

Ngay tại chùa Hương, cơ quan chức năng đã bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về an toàn thực phẩm. Do đó, người dân khi phát hiện cơ sở vi phạm có thể gửi thông tin để cơ quan chức năng xác minh và kịp thời xử lý.

Hà Nội là địa bàn có nhiều lễ hội, đền chùa, thu hút lượng lớn du khách. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bà Vũ Thu Hà yêu cầu 3 sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời các thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, các sở, ngành chức năng cần tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người dân. Các địa phương cần xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền.

Được biết, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vận hành, làm đầu mối tiếp nhận thông tin 24/7. Từ thông tin tiếp nhận, các bên có trách nhiệm xác minh, vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, chia sẻ về khó khăn trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung và mùa lễ hội nói riêng, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu thực tế, hiện lực lượng cán bộ phụ trách công tác này rất mỏng.

Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, trên toàn quốc có khoảng 700.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn nhỏ. Với lực lượng như vậy khó mà kiểm soát hết được.

Cho nên, vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định. Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra.

Về chế tài xử lý, theo ông Long, mức xử phạt hiện nay không phải là thấp, những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu đồng. Những doanh nghiệp lớn, sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng.

"Chế tài khá nghiêm khắc. Tuy nhiên, thực tế trong xã hội luôn có những thành phần bất chấp pháp luật để làm giàu bất chính. Đó là lý do dù chế tài xử phạt nặng đến đâu thì vẫn có những người vi phạm", ông Nguyễn Hùng Long lý giải.

Nói về nguy cơ của người dân khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn tại các khu vực tổ chức lễ hội, bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan…

Do vậy, những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm ăn uống tại các lễ hội cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức.

Còn theo PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-tac-bao-dam-an-toan-thuc-pham-tai-le-hoi-chua-huong-duoc-thuc-hien-ra-sao-d209518.html