Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và giải pháp phòng, chống chưa tốt
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khi đang sản xuất và thi công công trình, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc và giải pháp nào để có thể hạn chế rủi ro tai nạn lao động?
Mới đây là vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 22/4 tại Công ty Cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái khiến 7 người thiệt mạng, 3 người bị thương tại Yên Bái; hay trước đó, đầu tháng 4 này cũng xảy ra vụ tai nạn lao động tại Phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, ở Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; rồi cũng mới đây, tại ngõ Tức Mạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã xảy ra một vụ tai nạn lao động do sập mái kính tòa nhà cao 7 tầng đang được sửa chữa khiến 2 người chết, 2 người bị thương…
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc và giải pháp nào để có thể hạn chế rủi ro tai nạn lao động? Phóng viên Hà Nam phỏng vấn bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
PV: Thưa bà, có thể nói là chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng tại Yên Bái, Quảng Ninh, rồi Hà Nội đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Vậy bà nhìn nhận các vụ việc này như thế nào và qua đó bà thấy nổi lên những vấn đề gì mà chúng ta cần phải quan tâm?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Tai nạn lao động là những rủi ro xảy ra trong quá trình lao động, nó gắn liền với việc thực hiện các công việc hoặc các nhiệm vụ lao động, cho nên khi có nhiều các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, điều đó cho thấy rằng công tác đảm bảo an toàn lao động hay các giải pháp phòng, chống các tác động của các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc vẫn chưa được tốt và chưa được đầy đủ.
Đối với một số các ngành, nghề có nguy cơ cao như là: Khai thác than trong hầm lò, ngành xây dựng, hay thủy điện… không có ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp 100% không để xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác an toàn vệ sinh lao động là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Qua các vụ việc liên tiếp xảy ra, chúng ta cũng thấy rằng, qua một thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, công tác kiểm tra, giám sát, thông tin tuyên truyền, huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động chưa được đầy đủ và có thể đó là những nguyên nhân tiềm ẩn những vụ tai nạn lao động. Thứ hai là ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và kể cả của người lao động chưa cao cũng là lý do dẫn đến các vụ tai nạn lao động. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc tuân thủ pháp luật là những yếu tố tiềm ẩn các nguy cơ gây ra tai nạn lao động trong thời gian vừa qua
PV: Vâng, công tác an toàn vệ sinh lao động mặc dù trong thời gian qua đã được đầu tư khá đáng kể, nhưng những vụ tai nạn lao động thì vẫn cứ tiếp diễn. Ngoài những nguyên nhân như bà chỉ ra, ở đây còn có vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và đặc biệt là các cơ quan quản lý và liệu có sự buông lỏng trong công tác này hay không thưa bà?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Như các báo cáo và các số liệu thống kê, chúng ta thấy rằng số vụ tai nạn lao động của năm 2023 có giảm hơn so với năm 2022. Điều đó cũng cho thấy là một số các doanh nghiệp gần đây cũng đã quan tâm đến việc đầu tư các dây chuyền công nghệ, tăng cường việc hiện đại hóa các hoạt động trong quá trình sản xuất của mình để tăng cường hơn công tác an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên tai nạn lao động xảy ra do rất nhiều các nguyên nhân.
Chúng ta cũng thấy rõ ràng rằng trong quá trình Việt Nam thực hiện phát triển kinh tế công nghiệp hóa hiện đại hóa, từ đó các doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn. Do đó những yếu tố, những áp lực của vấn đề về sản xuất công nghiệp cũng là những nguyên nhân làm cho tai nạn lao động khó có thể giảm được.
Trong nhiều năm gần đây, khi xem các số liệu thống kê, chúng ta dễ nhận thấy rằng tỷ lệ tai nạn lao động giảm khá thấp, bản thân tôi cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân về mặt ý thức thì việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong góc độ quản lý nhà nước, việc thanh tra lao động của chúng ta vẫn còn khá mỏng. Bởi vì lực lượng thanh tra lao động của toàn quốc chỉ có khoảng 400 thanh tra viên trên tất cả các lĩnh vực lao động. Vì thế việc dành cho công tác an toàn lao động cũng còn rất hạn chế. Do đó tôi cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa các kênh giám sát, các kênh kiểm tra, tự kiểm tra của doanh nghiệp cũng như giám sát của công đoàn, của bản thân người lao động, các đơn vị… để làm sao việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động trở thành văn hóa hình thành lên những thói quen. Từ việc chúng ta thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra thì sẽ hình thành được ý thức chấp hành an toàn lao động.
Giai đoạn trước đây, khi chúng tôi thực hiện an toàn lao động, công đoàn có quyền kiểm tra việc chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, chúng tôi chỉ được tham gia phối hợp, đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân mà tôi thấy rằng trong thời gian tới có lẽ chúng ta cũng sẽ phải tính đến việc tăng cường hơn nữa các cơ chế kiểm tra, giám sát của nhiều đơn vị trong việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động.
PV: Ngoài sự hạn chế do lực lượng mỏng để có thể thanh tra, kiểm tra hết được, thì đâu đó vẫn còn sự đối phó của các doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ý kiến của bà như thế nào?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Đúng là khi mà nhìn về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - trách nhiệm của doanh nghiệp là lớn nhất và quan trọng nhất. Bởi vì một trong những nguyên tắc mà Bộ Luật lao động đã quy định là doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn thì mới được sản xuất.
Do đó trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan đến việc như là: Thông tin tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh lao động hay tổ chức huấn luyện cho người lao động, đặc biệt là huấn luyện đối với những người làm công tác có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện.
Hay doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các nội quy, các quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Doanh nghiệp phải đảm bảo nơi làm việc đạt các yêu cầu về không gian, về độ thoáng, về nóng - nồm - ẩm, tức là các yếu tố mà các quy chuẩn kỹ thuật quy định và phải thường xuyên kiểm tra, đo lường và đảm bảo các máy móc, thiết bị phải theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Vì thế trách nhiệm của doanh nghiệp là rất lớn trong vấn đề này và bất kỳ một khâu nào mà doanh nghiệp không có ý thức trong việc tuân thủ pháp luật hoặc là chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn lao động thì luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cho người lao động.
Mặc dù khi doanh nghiệp thành lập cũng không muốn xảy ra bất kỳ sự cố tai nạn lao động nào, nhưng có thể có những chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện tốt và đúng các quy định của pháp luật về các tiêu chuẩn trong điều kiện làm việc thì đâu đó người ta cũng cân nhắc. Cho nên tôi cho rằng vẫn cần phải có ý thức của người sử dụng lao động trong công tác an toàn nhiều hơn nữa.
PV: Vậy theo bà trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải có những giải pháp như thế nào để phòng ngừa những yếu tố rủi ro và siết chặt được công tác quản lý trong vấn đề này?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Gần đây, chúng ta cũng đã tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của an toàn vệ sinh lao động trong bối cảnh hiện nay và Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị mới - Chỉ thị 31, trong đó cũng có rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho người lao động. Ví dụ như là một trong các nhiệm vụ đầu tiên chính là cần phải đảm bảo cho người lao động làm việc trong một điều kiện an toàn nhất và nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, các tổ chức Đảng, chính quyền cũng như là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Thường xuyên tổ chức giáo dục huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể chính trị trong việc vận động tuyên truyền và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật hiện nay.
Mặc dù Luật An toàn vệ sinh lao động cũng như hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng đã tương đối tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên trong bối cảnh phát sinh những công việc mới như là các công việc mà sử dụng các công nghệ, hay những nơi mà không có quan hệ lao động thì vẫn cần phải có những chính sách để có thể đảm bảo quyền lợi của người lao động ở những khu vực đó hoặc những công việc đó
PV: Theo bà, qua 10 năm chúng ta thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Bí thư về tăng cường công tác an toàn lao động trong tình hình mới có tác động như thế nào từ nhận thức cũng như sự quan tâm đầu tư của các cấp, chính quyền địa phương trong công tác này.
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Trong báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 đã thấy rằng các cấp ủy đảng, doanh nghiệp, các đơn vị cũng đã vào cuộc. Tức là cả hệ thống chính trị cũng đã có những chuyển biến trong quá trình chúng ta tuyên truyền cũng như tăng cường chỉ đạo của Đảng đối với công tác này. Nhận thức của doanh nghiệp của người lao động cũng tăng lên thông qua việc tuyên truyền, thông qua việc huấn luyện. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy rằng những vụ tai nạn lao động vẫn luôn luôn có nguy cơ xảy ra và việc mà tỷ lệ các vụ tai nạn lao động cũng không giảm đi đáng kể như là chúng ta mong đợi và đặc biệt là trong bối cảnh mới khi mà áp lực về công việc không phải chỉ là những vấn đề liên quan tại nơi làm việc mà cả những vấn đề về tinh thần thể chất nó cũng sẽ tác động đến quá trình làm việc của người lao động.
Cho nên để cải thiện điều kiện làm việc của người lao động vẫn luôn là nội dung mà trong Chỉ thị 31 cũng vẫn yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa, đồng bộ các giải pháp từ xây dựng chính sách pháp luật đến tuyên truyền, đến công tác huấn luyện cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động cũng cần phải nâng cao hơn nữa về mặt năng lực và công tác kiểm tra, giám sát của quản lý nhà nước
PV: Vâng thưa bà, Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm nay có chủ đề là "Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/5 và Lễ phát động dự kiến được tổ chức vào ngày 26/4, cùng với Tháng Công nhân. Theo bà thì thực trạng công tác an toàn trong chuỗi cung ứng hiện nay được quan tâm như thế nào?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Đối với ngành lao động sản xuất, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp cũng không xa lạ, bởi vì tác động của chuỗi cung ứng đã là hiện thực trong thời gian vừa qua khi mà các luật của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa ngày càng siết chặt về công tác môi trường, công tác an toàn vệ sinh lao động và công tác về lao động. Có rất nhiều đơn hàng, các nhãn hàng được đánh giá rất cao, các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và nếu như bất kỳ một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng thì có thể tác động đến tất chuỗi cung ứng.
Chính vì thế mà chủ đề của Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2024 đã được trao đổi rất sôi nổi trong các thành viên của Ban chỉ đạo Tháng an toàn vệ sinh lao động cho thấy: Công tác an toàn không chỉ là riêng cho đối với một cá nhân, một doanh nghiệp, một đơn vị hay một quốc gia mà nó còn tác động đến cả một chuỗi cung ứng toàn cầu và trong một quốc gia. Do đó, nếu chúng ta đảm bảo an toàn chỉ cho mình thôi thì chưa được đầy đủ. Vấn đề an toàn trong cả chuỗi cung ứng để chúng ta tăng cường trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của sản phẩm để chúng ta thấy rằng mỗi một khâu, một mắt xích trong quá trình sản xuất có thể ảnh hưởng và tác động đến cả một chuỗi cung ứng. Tôi cho rằng đấy là thông điệp gửi đến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu
PV: Vậy với vai trò của mình, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tham gia hưởng ứng chủ đề này như thế nào để góp phần bảo vệ sức khỏe của người lao động trong chuỗi cung ứng, thưa bà?
Bà Hồ Thị Kim Ngân: Chúng tôi đã triển khai rất sớm văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh lao động và triển khai trong toàn hệ thống công đoàn, hướng dẫn về việc hưởng ứng các hoạt động, vận động tuyên truyền cho người lao động cũng như là doanh nghiệp và giám sát việc thực hiện nội dung Tháng an toàn vệ sinh lao động để làm sao mà người lao động cũng như các doanh nghiệp đều vào cuộc trong tháng này.
Đối với trung ương, chúng tôi có tham gia cùng với cả Ban chỉ đạo trong lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động cũng như Tháng công nhân năm 2024, tổ chức các đoàn thăm hỏi động viên các gia đình bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức các hội nghị đối thoại với Hội đồng quốc gia và cấp tỉnh cũng như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chủ đề của tháng để làm sao tăng cường hơn nữa các điều kiện đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; chăm sóc sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc cũng như tăng cường công tác huấn luyện, công tác tuyên truyền trên các hội thi các phong trào để làm sao tinh thần, thông điệp của Tháng an toàn được lan tỏa
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!