Công tác nhân sự cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng, việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng.

Ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71/2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị rút gọn các quy trình tại kỳ họp liên quan đến việc bầu, phê chuẩn các chức danh của Nhà nước; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội… để tránh hình thức.

Về việc này, Ban Soạn thảo nhận thấy, việc xem xét, quyết định các vấn đề về công tác nhân sự là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, cần phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

"Do đó, Ban Soạn thảo xin được giữ các nội dung liên quan đến quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp như nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành", ông Tùng nêu rõ.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí giữ nguyên việc bầu, phê chuẩn, bãi nhiệm các chức danh nhà nước tại kỳ họp. Việc này theo quy trình hướng dẫn của Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Cùng với việc nâng cao chất lượng thảo luận, ông Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, Quốc hội phải tăng cường sự tương tác với cử tri, chứ không chỉ đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri định kỳ vào trước và sau mỗi kỳ họp. Nhấn mạnh điều này rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Quốc hội số cần phải tính toán nội dung này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng – Trưởng Ban soạn thảo phát biểu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng – Trưởng Ban soạn thảo phát biểu.

Liên quan đến tổng hợp ý kiến đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, qua lấy ý kiến, đa số các cơ quan đều tán thành đề xuất của Ban Soạn thảo đối với quy định về tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉnh lại quy định: Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, vì bộ máy giúp việc Hội đồng Dân tộc, các ủy ban đã chuyển về trực thuộc Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị đối với việc thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội về công tác nhân sự, tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Về việc này, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp tục giao Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận của Quốc hội (bao gồm cả các phiên thảo luận về công tác nhân sự) để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình thực hiện tất cả các nội dung của kỳ họp, bảo đảm tính khách quan của việc tổng hợp ý kiến.

Nêu ý kiến về nội dung này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tiếp tục đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Ủy ban Công tác đại biểu khi thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc giao một đầu mối, vừa tổng hợp phiếu, vừa tổng hợp ý kiến khi thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự, sẽ giảm thiểu đầu mối, đảm bảo công tác chuyên môn và đảm bảo tính bảo mật, giảm thiểu đầu mối.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phải rà soát lại Luật Tổ chức Quốc hội, vì hiện nay luật giao cho Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc này. Vì thế, trong nội quy kỳ họp vẫn phải ghi như vậy. Tuy nhiên, việc này có thể phân công và quy định trong nghị quyết, trên tinh thần giao Ủy ban Công tác đại biểu chủ trì và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác nhân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết, trong đó đề cập, làm rõ, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (phát biểu, tham gia phát biểu bằng văn bản; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri...); trách nhiệm của các cơ quan về quản lý tài liệu lưu trữ; vấn đề lưu trữ số...

Liên quan tới thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, cần quy định rõ hơn theo hướng, Chủ tịch Đoàn có quyền và trách nhiệm điều hành thảo luận, giới hạn nội dung thảo luận, điều hành thời gian thảo luận đảm bảo phù hợp, linh hoạt.

Về tổng hợp giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục quy định Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì việc tổ chức tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, tại tổ... Đồng thời, tiếp tục giữ quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án có báo cáo giải trình tiếp thu bước đầu ý kiến thảo luận tại Tổ để gửi đến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Về thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đối với các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua đề nghị giữ như hiện hành; về quy trình tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp đề nghị giữ như tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng...

Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định về vấn đề giữa 2 đợt họp của Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ gì; tiếp tục rà soát về kỹ thuật, ngôn ngữ, cách thức thể hiện đảm bảo đúng yêu cầu đề ra…

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-tac-nhan-su-can-phai-bao-dam-than-trong-chat-che-ky-luong-10288066.html