Kỳ vọng khi sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn

Việc sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ kiến tạo một không gian phát triển mới, mang tính đột phá cho cả hai địa phương.

Ngày 23/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tổ chức Kỳ họp thứ 28 (kỳ họp chuyên đề) để bàn nhiều vấn đề quan trọng mang tính bước ngoặt, có tầm quan trọng lịch sử đối với sự phát triển của tỉnh.

Điểm nhấn đặc biệt của kỳ họp lần này chính là việc xem xét chủ trương sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, cũng như sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Phương Thảo

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Phương Thảo

Báo cáo tại kỳ họp cho thấy, Dự thảo Đề án sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn đã nhận được đồng thuận, nhất trí rất cao của tuyệt đại đa số cử tri và nhân dân với 99,92% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và 100% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện đồng ý.

Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365.000 người), kết hợp được tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Với quy mô diện tích và dân số lớn hơn, không gian phát triển rộng mở hơn, lực lượng lao động dồi dào hơn, hạ tầng kết nối đồng bộ hơn, cùng với một bộ máy hành chính tinh gọn và hiệu lực hơn, tỉnh Thái Nguyên mới chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trên mọi lĩnh vực. Qua đó, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đại biểu nhất trí thông qua các Nghị quyết. Ảnh: Phương Thảo

Đại biểu nhất trí thông qua các Nghị quyết. Ảnh: Phương Thảo

Cùng với đó, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 cũng là một nội dung then chốt được xem xét tại kỳ họp.

Theo dự thảo, từ 172 xã, phường, thị trấn hiện tại, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành sắp xếp, giảm xuống còn 55 xã, phường, tương đương với việc giảm 117 đơn vị hành chính cấp xã, chiếm tỷ lệ 68,02%.

Đây là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng chính quyền cấp xã có quy mô hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, đảm bảo việc tổ chức và triển khai các chương trình, chính sách một cách hiệu quả và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực.

Cũng tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét, quyết định nội dung quy định kinh phí hỗ trợ thực hiện việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-vong-khi-sap-nhap-tinh-thai-nguyen-va-bac-kan-384557.html