Công tác thanh tra phải độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Làm rõ các quy định nhằm đảm bảo tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của thanh tra các cấp là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến .

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra cấp huyện, cấp tỉnh với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; giữa Thanh tra Chính phủ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện kết luận thanh tra.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nguyên tắc thanh tra, tính độc lập của Thanh tra là độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện như thế nào trong dự án luật này? Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp các thứ này khác thì quyền hạn của Trưởng đoàn đến đâu, của Tổng Thanh tra Chính phủ đến đâu, ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng hay thường trực đối với vấn đề này như thế nào? Trong thực tế hoạt động hiện nay có vướng gì không và giải quyết trong thực tế đến nay và ở các cấp hành chính dưới cũng thế, tỉnh, huyện, v.v.. Việc đó tôi muốn các đồng chí có rà soát thêm, báo cáo thêm, vì việc này cũng quan trọng lắm, một mặt để nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm. Thứ hai khi có kết luận thanh tra thì nhanh, bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng là cứ thế làm thôi. Có trường hợp nào dưới Thanh tra sở chuẩn bị công bố nhưng Ủy ban tỉnh hoặc Chủ tịch tỉnh chưa đồng ý cứ để ngâm lại không công bố được không? Ví dụ thế. Hay kể cả Thanh tra Chính phủ, nói chung giữa các cấp, tuân thủ về nguyên tắc hành chính, cấp dưới phục tùng cấp trên với nguyên tắc về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhất là Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận đây là những vấn đề thanh tra đang gặp phải trên thực tế. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm một số quy định.

Ông ĐOÀN HỒNG PHONG, Tổng Thanh tra Chính phủ: “Bệnh tồn đọng của thanh tra chính phủ, có những tồn đọng cách đây khoảng 5, đến 6 năm. Trong điều 74 chúng tôi soạn thảo, trong 15 ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra thì người ra kết luận thanh tra, kiến nghị của mình, tính độc lập là ở đây.”

Cho rằng phần giải trình của Tổng thanh tra Chính phủ “đúng nhưng chưa đủ”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu thực tế có tình trạng một số vụ việc khi thanh tra báo cáo lên chủ tịch UBND cùng cấp, nhưng chỉ để đó mà không được báo cáo lên cấp ủy. Do vậy Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Nên chăng chỗ này mình quy định kỹ hơn, tức là nếu có các Đoàn Thanh tra cấp trên hoặc kiểm tra khác phát hiện ra các vi phạm, mà đúng nội dung mà thanh tra đã thanh tra thì trưởng đoàn và thành viên của Đoàn Thanh tra đấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thanh tra của mình, để ràng buộc câu chuyện là ông phát hiện ra nhưng không đưa ra nữa. Quá trình anh thảo luận, dự kiến thì thấy khó, nhưng sau 1 hồi giải trình thì anh bỏ qua. Bây giờ quy định trách nhiệm vào đây để tránh câu chuyện người có thẩm quyền đề nghị kết luận khác đi hoặc không kết luận.”

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Dự thảo luật đã cố gắng để xử lý, phân định được trách nhiệm mang tính chất chuyên môn, đảm bảo tính độc lập của Đoàn Thanh tra trong quá trình thanh tra với thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra trong trường hợp này là Chánh Thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Về nguyên tắc Đoàn Thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra của mình. Tức là anh đi thanh tra, anh thấy vi phạm thì anh phải kết luận, nguyên tắc là như thế. Nếu anh kết luận không vi phạm thì anh cũng phải chịu trách nhiệm chuyện đó.”

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra có các khâu, các bước cụ thể, việc gì cần xin ý kiến và việc gì là cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền; làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và tính độc lập này gắn với chịu trách nhiệm theo pháp luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến, xác định rõ hơn về thẩm quyền của cơ quan thanh tra, của đoàn thanh tra, của các cơ quan thanh tra trong hệ thống, tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động thanh tra.

Thực hiện : Thùy Linh Hoàng Hương Quang Sỹ Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cong-tac-thanh-tra-phai-doc-lap-ve-chuyen-mon-nghiep-vu