Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh: Hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Sau 1,5 năm vận hành, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã công khai, cập nhật 17.819 quy định, gồm 4.398 thủ tục hành chính; 868 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.771 yêu cầu, điều kiện; 856 chế độ báo cáo; 87 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 8.848 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 78 quy định cấm.
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách các quy định kinh doanh, thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình tham vấn chính sách, năm 2021, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2021, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh là công cụ phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm các quy định kinh doanh và đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành; góp ý về các dự thảo quy định kinh doanh và gửi vướng mắc, khó khăn và đề xuất.
Cổng tham vấn cũng là nơi phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thống kê, rà soát và cập nhật, công khai quy định; tham vấn, tương tác với người dân, doanh nghiệp; quản lý quá trình xây dựng, thực thi phương án cải cách.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh là công cụ hỗ trợ cải cách, trọng tâm là cải cách quy định thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chế độ báo cáo trong các hoạt động kinh doanh. Đây là cách tiếp cận mới, thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tiến sỹ Tạ Minh Lý, chuyên gia tư vấn dự án USAID LinkSME cho biết, thực tế cho thấy, rất ít doanh nghiệp tương tác trên các trang thông tin góp ý về văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và các kênh thông tin điện tử tham vấn chính sách. Điều này có nguyên nhân là do hệ thống văn bản rất lớn và phức tạp, để nghiên cứu góp ý cần rất nhiều thời gian, nhưng cũng có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là doanh nghiệp chưa có ý thức, nhận thức về trách nhiệm tham vấn chính sách.
“Sự tham gia của doanh nghiệp trong tham vấn xây dựng pháp luật rất ít, trong khi tỷ trọng đóng góp vào GDP đất nước từ cộng đồng doanh nghiệp chiếm đến 60%", bà Lý cho hay.
Doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong tham gia tham vấn, xây dựng chính sách pháp luật. Doanh nghiệp có lên tiếng thì những vấn đề vướng mắc trong các quy định kinh doanh mới được rà soát, đơn giản hóa, được tái cấu trúc theo hướng thuận lợi hơn, chính sách có tính khả thi, hợp lý hơn.
Với Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, hiệp hội, kết quả giải quyết, phản hồi được hiển thị công khai. Điều này tạo niềm tin cho doanh nghiệp rằng tiếng nói của họ sẽ được đến với Chính phủ, các bộ, ngành và sẽ được đưa ra bàn bạc, nghiên cứu. Qua đó, doanh nghiệp cũng có động lực hơn trong việc tham gia vào quá trình tham vấn chính sách, đồng hành với Chính phủ trong cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Sau 1,5 năm vận hành, ông Ngô Hải Phan cho biết, đến nay, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã công khai, cập nhật 17.819 quy định, gồm 4.398 thủ tục hành chính; 868 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.771 yêu cầu, điều kiện; 856 chế độ báo cáo; 87 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 8.848 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 78 quy định cấm.
“Có tường minh, công khai, minh bạch, kiểm đếm được các quy định, thủ tục, yêu cầu điều kiện thì mới cắt giảm được các quy định hiện đang là rào cản cho hoạt động kinh doanh”, ông Ngô Hải Phan cho hay.
Để tiếp tục cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bảo đảm thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt quan điểm và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả 59 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, giao Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách cách thủ tục hành chính tiếp tục nâng cấp, phát triển Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp cũng như nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, góp phần thực hiện thành công Chương trình cải cách thể chế, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Việc nâng cấp Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh sẽ tạo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Cổng tham vấn được xây dựng như một diễn đàn mở cho phép các hiệp hội, doanh nghiệp và công dân tham gia; đảm bảo cho phép người dùng tra cứu tất cả các quy định kinh doanh và có sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành. Qua đây, các bộ, ngành có thể tham vấn ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và ngược lại, khi gặp vướng mắc, các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ chủ động gửi ý kiến về các quy định kinh doanh. Khi các ý kiến này nhận được nhiều đồng thuận, các bộ sẽ tiếp nhận và phản hồi.