Công trình công – quản trị tư

'Xây xong rồi để đấy' – cụm từ ấy đang dần trở thành nỗi ám ảnh quen thuộc khi nói đến không ít công trình văn hóa, thể thao, giao thông ở nước ta. Hàng nghìn tỷ đồng ngân sách đã được rót vào những sân vận động vắng khách, làng văn hóa hoang vắng, nhà hát ít người xem, bảo tàng ít người đến… Không chỉ lãng phí vốn đầu tư ban đầu, những công trình ấy còn kéo dài tình trạng thua lỗ, xuống cấp và gây áp lực nặng nề lên ngân sách bảo trì hằng năm. Sân vân động Mỹ Đình là một ví dụ điển hình.

Cần đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP)

Cần đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP)

Sự lãng phí này không chỉ là hệ quả của quản lý kém, mà bắt nguồn từ một mô hình quản trị đã lỗi thời – nơi tài sản công được điều hành bằng tư duy hành chính, thiếu động lực, thiếu sáng tạo và thiếu gắn kết với nhu cầu xã hội.

Trong bối cảnh Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được bổ sung thêm nhiệm vụ "chống lãng phí", thì đã đến lúc cần một tư duy mới: Tài sản công – nhưng cầnquản trị, vận hành và khai thác tư. Đó không chỉ là một giải pháp quản lý, mà là một đột phá thể chế để chống lãng phí bằng hiệu quả, bằng trách nhiệm, bằng sáng tạo và bằng thị trường.

Mới nhất, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành đã yêu cầu cần đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP), lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công, trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hóa - xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo để lựa chọn.

Đầu tư lớn – hiệu quả nhỏ

Hàng chục năm nay, chúng ta đã quen với cách đánh giá thành công của đầu tư công qua các tiêu chí như "khởi công đúng tiến độ", "hoàn thành đúng kế hoạch". Nhưng sau đó thì sao? Ai chịu trách nhiệm nếu công trình chỉ hoạt động ở mức dưới 20% công suất? Ai trả lời người dân nếu một sân vận động lớn nhất nước không đáp ứng nổi tiêu chuẩn tổ chức một trận bóng quốc tế? Ai đứng ra giải trình khi bảo tàng được xây xong lại không có người đến xem, không có tiền vận hành và cuối cùng trở thành kho chứa?

Vấn đề không chỉ nằm ở kỹ thuật thi công, mà nằm ở cơ chế quản lý thiếu động lực. Khi các công trình công được điều hành theo tư duy hành chính, không gắn với trách nhiệm tài chính, không có cơ chế thị trường, thì hệ quả là hiệu suất thấp, chi phí cao, tài sản mau xuống cấp. Đó chính là sự lãng phí mang tính cơ cấu.

Công trình công – quản trị, vận hành tư: Giải pháp cần thiết

Đã đến lúc phải thay đổi mô hình. Chúng ta cần chuyển từ tư duy "đầu tư công – quản lý công" sang "đầu tư công – quản trị tư". Nói cách khác, công trình vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng việc quản lý, khai thác, vận hành nên đấu thầu cho tư nhân đảm nhiệm theo nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh và có thời hạn.

Mô hình này không mới trên thế giới. Ở Anh, nhiều công viên, bảo tàng được điều hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp xã hội. Ở Pháp, các tuyến đường cao tốc được đấu thầu vận hành theo hợp đồng nhượng quyền (concession). Ở Singapore, các nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật đều có hội đồng điều hành độc lập, hoạt động như doanh nghiệp dịch vụ công.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có những tín hiệu tích cực: một số tuyến đường BOT từng hoạt động hiệu quả; một số bảo tàng tư nhân ở Quảng Ninh, TP.HCM, Hội An thu hút rất đông khách. Vấn đề là cần thể chế hóa mô hình này một cách bài bản, bền vững và công bằng.

Nếu chuyển sang mô hình quản trị tư nhân có kiểm soát tốt, tài sản công có thể trở thành nguồn lực phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa – xã hội.

Nếu chuyển sang mô hình quản trị tư nhân có kiểm soát tốt, tài sản công có thể trở thành nguồn lực phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa – xã hội.

Ba lợi ích lớn

Lợi ích của việc chuyển đổi mô hình rất lớn.

Thứ nhất, tiết kiệm ngân sách: Nhà nước không phải chi thường xuyên cho vận hành, bảo trì. Thay vào đó, nguồn lực được giải phóng để đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác.

Thứ hai, tăng hiệu quả sử dụng tài sản công: Tư nhân có động lực tối ưu hóa công suất công trình, tổ chức sự kiện, tạo ra giá trị gia tăng, thu hút người dùng và khách du lịch.

Thứ ba, bảo tồn tài sản công tốt hơn: Khi gắn trách nhiệm tài chính với trách nhiệm quản lý, tư nhân sẽ chủ động bảo trì, duy tu và giữ gìn công trình như một phần vốn sống còn.

Minh bạch để không thành "sân sau"

Tuy nhiên, bất kỳ mô hình nào cũng có thể bị biến tướng nếu thiếu kiểm soát. Không ai muốn "tư nhân hóa lợi ích – công hữu hóa rủi ro". Để ngăn chặn chủ nghĩa thân hữu và lợi ích nhóm trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, cần đặt ra các rào chắn thể chế chặt chẽ.

Trước hết, tất cả các công trình đưa ra đấu thầu quản trị tư phải công khai danh mục, tiêu chí, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn trên Cổng thông tin quốc gia. Hợp đồng được ký kết phải công bố toàn văn, trừ các phần bí mật công nghệ hợp pháp.

Thứ hai, cần thiết lập nghĩa vụ khai báo xung đột lợi ích bắt buộc đối với mọi cán bộ tham gia quá trình xét chọn, đàm phán hợp đồng. Bất kỳ hành vi "thiết kế hồ sơ có lợi cho một nhà đầu tư" phải được coi là hành vi lạm quyền và bị xử lý nghiêm minh.

Thứ ba, người dân và báo chí phải được tham gia giám sát quá trình thực hiện dự án. Một công trình được tư nhân quản trị không có nghĩa là khuất bóng công lý. Các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương có quyền phản ánh, kiến nghị hoặc chất vấn khi có dấu hiệu bất thường trong vận hành, sử dụng, định giá dịch vụ.

Thứ tư, cần ứng dụng công nghệ số để theo dõi hiệu quả khai thác công trình theo thời gian thực. Mọi thông tin về chi phí – doanh thu – chất lượng dịch vụ phải được tích hợp vào hệ thống dữ liệu mở để các cơ quan chức năng và công luận có thể theo dõi, phân tích.

Khai phóng nguồn lực từ tài sản quốc gia

Tài sản công là mồ hôi nước mắt của người dân, là kết tinh của ngân sách, đất đai và niềm tin xã hội. Nếu để chúng rơi vào tình trạng "xây xong rồi bỏ đấy", thì đó không chỉ là thất thoát tài chính, mà còn là sự lãng phí của cơ hội phát triển. Nếu chuyển sang mô hình quản trị tư nhân có kiểm soát tốt, tài sản công có thể trở thành nguồn lực phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa – xã hội.

Ở đây, quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ: Cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dàm làm, dám chịu trách nhiệm, miễn là bảo đảm "3 có và 2 không": Có lợi cho Nhà nước, có lợi cho nhân dân, có lợi cho doanh nghiệp; không có động cơ cá nhân và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Chống lãng phí không chỉ là cắt giảm chi tiêu, mà chính là tổ chức lại cách sử dụng tài sản quốc gia một cách hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm. Đó cũng là bước đi chiến lược để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới: hiệu quả hơn, liêm chính hơn và bền vững hơn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cong-trinh-cong-quan-tri-tu-102250506231336115.htm