Cổng trường an toàn giao thông là ưu tiên cao nhất
Sau một thời gian triển khai, mô hình cổng trường an toàn cơ bản đã đạt được những mục tiêu, hiệu quả đề ra. Sở GTVT Hà Nội hướng tới đồng bộ giữa cải tạo hạ tầng và công tác truyền thông để nâng cao văn hóa giao thông cho các phụ huynh và con em của họ.
Những tín hiệu tích cực
Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thí điểm giải pháp bảo đảm ATGT tại khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) từ tháng 12/2023. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 - 2025.
Không chỉ Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông), Sở GTVT còn thực hiện thí điểm tại 2 khu vực trường học khác là cụm trường tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); cụm trường mầm non, tiểu học, THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai).
Sở GTVT đã làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường có kết cấu bằng bê tông nhựa (atphalt), chiều cao 9cm, được kẻ bằng sơn dẻo nhiệt màu trắng - vàng, có phản quang để tăng khả năng nhận diện. Các phương tiện qua vị trí đó sẽ chủ động giảm tốc độ, đảm bảo cho các em học sinh sang đường an toàn.
Em Nguyễn Quang Đạt (học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết: “Có vạch vàng nổi rõ lên như thế thì bọn em sẽ phân biệt dễ dàng, giúp việc sang đường an toàn và thuận lợi hơn, không phải tranh thủ, vội vàng như trước”.
Với biển hạn chế tốc độ, người tham gia giao thông sẽ kiểm soát được tình huống, có đủ khả năng xử lý những tình huống bất ngờ khi học sinh băng qua đường.
Để đảm bảo an toàn cho các học sinh, các lực lượng chức năng, dân phòng, cán bộ giáo viên đều có mặt để hỗ trợ, hướng dẫn các em học sinh sang đường vào đầu giờ học và tan tầm.
Sau một thời gian triển khai, thay vì chỉ cấm trong các khung giờ cao điểm như ban đầu, Sở GTVT cấm toàn bộ ô tô đỗ trên đường 19/5, đoạn từ nút giao phố Dương Lâm đến nút giao phố Nguyễn Khuyến (trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du) để đảm bảo không gian quanh khu vực cổng trường học.
Theo thiết kế của dự án cổng trường an toàn, vị trí đỗ xe cho phụ huynh cũng được sắp xếp bằng các cọc tiêu trụ dẻo dưới lòng đường.
Chị Đỗ Mai Thanh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, phụ huynh để xe hết ở trên vỉa hè, người đi bộ, đặc biệt là các con học sinh không có lối đi lại. Với thiết kế như hiện nay, không gian vỉa hè đã được giải phóng, lấy chỗ cho mọi người đi lại được an toàn mà phụ huynh đưa đón con cũng có chỗ dừng xe phù hợp. Mô hình này được triển khai, chúng tôi rất ủng hộ”.
Sở GTVT cũng đã phối hợp với nhà trường để thông tin cho phụ huynh cũng như giáo viên về phương án tổ chức giao thông, tạo sự đồng thuận của tất cả các bên trong việc thực hiện phương án theo đúng thiết kế.
Vun đắp văn hóa giao thông
Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Tạ Đức Giang cho biết: “Sau một thời gian triển khai thí điểm, về cơ bản dự án đã đạt được những mục tiêu, hiệu quả đề ra. Đây cũng là cái tiền đề rất quan trọng để sắp tới tiếp tục nhân rộng mô hình này tại những vị trí cổng trường có đủ điều kiện”.
Giai đoạn đầu, khi dự án được thí điểm, nhiều phụ huynh, học sinh chưa nắm được nội dung cụ thể, nên các lực lượng chức luôn có mặt để hỗ trợ. Tuy nhiên, về lâu dài, khi đã hình thành được ý thức dừng đỗ phương tiện, đưa đón học sinh đúng quy định thì lực lượng hỗ trợ sẽ rút dần.
Anh Nguyễn Quang Bảo cho biết: “Việc đóng cọc tiêu, xếp vị trí đỗ xe cho phụ huynh khiến lòng đường bị thu hẹp. Vào giờ cao điểm, tốc độ di chuyển của xe rất chậm. Tuy nhiên, theo tôi thì tốc độ như vậy mới có thể đảm bảo an toàn cho các cháu sang đường”.
Trong nhiều năm, tình trạng giao thông tại các khu vực có trường học, đặc biệt là trong giờ cao điểm buổi sáng và chiều đặc biệt ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Chính vì vậy, khi có gờ giảm tốc lớn, diện tích lòng đường hạn chế, các phương tiện sẽ giảm tốc độ, tránh nguy hiểm cho các em học sinh.
Mục tiêu cao nhất của dự án là đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh cũng như tất cả những người đi bộ qua đường quanh khu vực cổng trường học. Từ đó, có thể xây dựng ý thức, văn hóa tham gia giao thông cho tất cả mọi người, từ phụ huynh đến con em họ và những người xung quanh.
“Để dự án thành công và được duy trì và mở rộng, quan trọng nhất là sự vào cuộc của nhà trường, sự phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc đưa đón các con. Ủy Ban ATGT TP Hà Nội cũng phối hợp với nhà trường, hướng tới tuyên truyền một số quy định về an toàn giao thông cho phụ huynh cũng như là cho học sinh” - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Tạ Đức Giang chia sẻ.
Trong năm nay, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình “cổng trường an toàn” tại các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trong phạm vi thành phố. Tuy nhiên, không thể rập khuôn, phải tùy theo điều kiện, vị trí khu vực, mật độ giao thông, lưu lượng phương tiện cũng như mặt bằng diện tích để đưa ra được giải pháp phù hợp.
Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội nhấn mạnh: “Để cổng trường thật sự là khu vực ATGT cho phụ huynh, học sinh và người dân, song song với cải tạo hạ tầng, các công tác truyền thông để nâng cao văn hóa giao thông cũng cần đẩy mạnh, đi sâu, đi sát với từng đối tượng cụ thể".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-truong-an-toan-giao-thong-la-uu-tien-cao-nhat.html