Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây: Phát huy vai trò quan trọng trong chuỗi logistics

Phấn đấu đến năm 2030, Cảng Chân Mây sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistic của Việt Nam và khu vực, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% năm.

Cảng Chân Mây được hình thành từ năm 2003. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngày nay hoạt động dưới mô hình Công ty cổ phần, Cảng Chân Mây đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố Huế, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Cảng Chân Mây có vị trí địa lý đắc địa, nằm ở vị trí trung tâm của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là thành phố Huế và Đà Nẵng, có cửa ngõ hướng ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, đây là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Myanmar và Đông Bắc Thái Lan.

Cảng Chân Mây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Philippines, Singapore và Hong Kong. Cùng với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, Cảng Chân Mây hiện đang sở hữu và khai thác hai cầu bến với tổng chiều dài khai thác 771 m có khả năng tiếp nhận nhiều tàu cùng lúc. Độ sâu khu bến cũng là lợi thế để tiếp đón các tàu hàng và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn.

Cảng Chân Mây đón tàu du lịch quốc tế cỡ lớn

Cảng Chân Mây đón tàu du lịch quốc tế cỡ lớn

Phát huy những lợi thế đó, cùng sự nhanh nhạy trong công tác quản lý điều hành hoạt động, Cảng Chân Mây đã chủ động liên kết với các đối tác để đầu tư mở rộng, trở thành cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

Với sự hợp tác cùng hãng tàu Royal Caribbean, Cảng Chân Mây đã nâng cấp Bến số 01 đủ điều kiện tiếp nhận tàu chở hàng trọng tải đến 50.000DWT và tàu khách cỡ 225.282GRT. Từ đó nhiều hãng tàu du lịch nổi tiếng thế giới đã lựa chọn Cảng Chân Mây là điểm dừng chân cố định trên chuyến hành trình như Hãng Royal Caribbean, Hãng TUI Cruise, Princess Cruise, Costa Cruises, Hãng Silversea Cruises.

Bên cạnh trở thành một trong những cảng biển hàng đầu trong cả nước có thương hiệu về đón tàu khách, Cảng Chân Mây cũng khai thác hàng container bên cạnh hàng rời và hàng tổng hợp. Hiện nay dịch vụ xếp dỡ container tại Cảng Chân Mây đang dần tăng trưởng về sản lượng và doanh thu. Thông qua lượng hàng hóa xuất nhập qua Cảng tăng trưởng đã thúc đẩy ngành logistics cùng ngành vận tải thành phố Huế ngày càng phát triển.

Năm 2024, Cảng Chân Mây nỗ lực hoàn thiện thủ tục kiểm định nâng cấp Bến số 2 đạt năng lực tiếp nhận tàu 70.000 DWT, bổ sung công năng đón tàu container cho Bến số 1 và công năng đón tàu du lịch cho Bến số 2. Kế hoạch năm 2024, Cảng Chân Mây đạt sản lượng 4,7 triệu tấn, doanh thu 276 tỷ đồng.

Nhằm hiện thực hóa kế hoạch đã đặt ra, Cảng Chân Mây sẽ tăng cường liên doanh, liên kết để đẩy mạnh hệ thống logistics và xúc tiến các hình thức hợp tác đầu tư. Công ty triển khai các phương án đầu tư thực sự có hiệu quả, điều phối hài hòa các nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực giữa các dịch vụ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, giảm áp lực về tài chính.

Cảng Chân Mây là điểm kết nối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistic của Việt Nam và khu vực

Cảng Chân Mây hoàn thiện đầu tư tất cả các hạng mục dự án, đầu tư hệ thống xếp dỡ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, nâng cấp cả 2 bến đón được tàu đến 70.000 DWT; đưa vào khai thác khu neo chuyển tải 200,000 DWT.

Phấn đấu đến năm 2030, Cảng Chân Mây sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistic của Việt Nam và khu vực, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% năm, sản lượng hàng qua cảng đạt 10 triệu tấn. Cảng Chân Mây tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố Huế.

Văn Thắng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cong-ty-co-phan-cang-chan-may--phat-huy-vai-tro-quan-trong-trong-chuoi-logistic-133257.htm