Công ty Hà Lan là 'nút thắt cổ chai' trong việc sản xuất chip

Dưới sức ép từ Washington, chính phủ Hà Lan áp đặt thêm một số hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị chế tạo chip đến thị trường Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận.

"Chúng tôi làm điều này là vì lợi ích an ninh quốc gia", Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói sau khi cơ quan này hôm 30/6 công bố quyết định áp đặt một số hạn chế mới trong lĩnh vực xuất khẩu thiết bị sản xuất chip.

Quy định mới có hiệu lực vào ngày 1/9 sắp tới, yêu cầu các công ty sản xuất thiết bị làm chip công nghệ cao phải xin giấy phép con của chính phủ, trước khi họ muốn xuất khẩu thiết bị như vậy.

Công ty công nghệ lớn nhất châu Âu

Mặc dù trong quy định mới của chính phủ Hà Lan không nhắc đến cái tên cụ thể nào, hoặc một quốc gia cụ thể nào. Nhưng giới quan sát nhận định đây là động thái nhằm hạn chế việc Trung Quốc sở hữu các máy quang khắc làm chip của hãng ASML, người khổng lồ trong lĩnh vực này.

ASML có trụ sở ở Veldhoven, Hà Lan và là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực quang khắc - dùng các tia sáng với độ chính xác cao để in thiết kế chip lên các tấm bán dẫn silicon, một công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất chip. Họ đóng vai trò tối quan trọng trong chuỗi cung ứng và là nhà cung cấp thiết bị cho các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như Samsung, Intel và đặc biệt là TSMC.

Nếu như một chiếc máy chiếu có thể phóng to hình ảnh, thì một chiếc máy của ASML có thể thu nhỏ bản vẽ thiết kế chip và in lên những tấm bán dẫn với kích thước nhỏ hơn 10.000 lần sợi tóc. Công ty có thể làm được điều này là bởi vì họ đã đi đầu trong việc nghiên cứu áp dụng công nghệ siêu tia cực tím (EUV), vốn có bước sóng cực ngắn và do đó có thể tạo ra nhiều bóng bán dẫn hơn trên cùng một diện tích chip.

Nhờ có chiếc máy này của ASML, việc tạo ra những con chip mạnh hơn ở quy mô công nghiệp bắt đầu trở nên khả thi.

Bên cạnh việc áp dụng những công nghệ phức tạp được so sánh với việc "chạm đến giới hạn của các định luật vật lý", mỗi chiếc máy quang khắc của ASML còn được cấu thành bởi khoảng 100.000 bộ phận đến từ 800 nhà phân phối trên toàn thế giới.

Không chỉ vậy, ASML thường ký hợp đồng độc quyền với những đối tác này, vì vậy họ cũng gần như không có đối thủ cạnh tranh nào trong việc sản xuất máy quang khắc công nghệ EUV.

 Ông Peter Wennink, giám đốc điều hành của ASML, công ty công nghệ có thị giá lớn nhất của châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Ông Peter Wennink, giám đốc điều hành của ASML, công ty công nghệ có thị giá lớn nhất của châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

"Cũng giống như việc chúng tôi là đối tác duy nhất của một số khách hàng, các nhà cung cấp cũng là đối tác duy nhất của chúng tôi. Nhiều người cho rằng những mối quan hệ cộng sinh như vậy còn tệ hơn cả một cuộc hôn nhân, vì bạn không thể ly hôn được", CEO của ASML, ông Peter Wennink, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi năm ngoái.

Những chiếc máy photo quang khắc của ASML ứng dụng công nghệ EUV có giá lên tới 200 triệu USD, đều được ra lò từ trụ sở của hãng ở Veldhoven. Mỗi chiếc có kích thước bằng một chiếc xe bus và cần 3 chiếc máy bay để ship đến cho khách hàng.

Chiến thắng của Washington

Sau quyết định của Bộ Thương mại Hà Lan, ASML, công ty có thị giá lớn nhất nước này và cũng là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, cho biết các thiết bị quang khắc sử dụng công nghệ EUV cũng như các model cũ hơn sử dụng công nghệ tia cực tím sâu (DUV) đều nằm trong diện phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu.

Dữ liệu chính thức từ công ty này cho thấy chưa có chiếc máy quang khắc sử dụng công nghệ EUV nào của họ được ship đến Trung Quốc. Chính phủ Hà Lan trước đây đã cấm việc này, nhưng quy định mới mở rộng phạm vi sang cả những chiếc máy photo quang khắc sử dụng công nghệ DUV.

Quyết định của chính phủ Hà Lan được cho là kết quả của một thỏa thuận cấp cao giữa Mỹ và hai đồng minh có ngành công nghiệp thiết bị làm chip mạnh là Hà Lan và Nhật Bản, nhằm cản trở khả năng sản tự chủ sản xuất chip của Trung Quốc.

Bên cạnh ASML, hai công ty Nhật Bản là Canon và Nikon cũng sản xuất máy photo quang khắc nhưng ứng dụng công nghệ DUV với bước sóng dài hơn. Chính phủ Nhật Bản hồi cuối tháng 3 đã ban hành quy định hạn chế xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị sản xuất chip. Quy định này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 7.

Ba quốc gia đạt được thỏa thuận này vào tháng 1 năm nay, theo nguồn tin từ New York Times, nhưng không công bố ngay khi đó. Thỏa thuận được cho là cũng giúp bảo vệ các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ như Lam Research hay Applied Materials, tránh việc ASML và các đối thủ Nhật Bản chiếm lấy miếng bánh từ thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã ban hành hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng sản xuất chip của nước này sang Trung Quốc với lý do bảo đảm an ninh quốc gia. Theo lý lẽ của Nhà Trắng, Bắc Kinh có thể sử dụng các chip tối tân cho mục đích quân sự, ví dụ như để bẻ khóa các hệ thống mã hóa của quân đội Mỹ, hay dẫn đường cho tên lửa siêu vượt âm. Washington cũng kêu gọi các đồng minh làm điều tương tự từ trước đó.

 SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi họ gần như không còn khả năng tiếp cận các máy photo quang khắc tân tiến. Ảnh: Reuters.

SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi họ gần như không còn khả năng tiếp cận các máy photo quang khắc tân tiến. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh khi đó đã chỉ trích động thái này, một sự kiện trong chuỗi những căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc, liên quan tới nhiều chủ đề từ thiết bị 5G, khí cầu gián điệp cho đến vấn đề Đài Loan.

Sau thông báo mới từ Bộ Thương mại Hà Lan, Đại sứ quán Trung Quốc ở nước này đã phản ứng, mô tả hành động này là sự "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu" và là sự vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.

Sơn Trần

Theo Reuters, New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cong-ty-ha-lan-la-nut-that-co-chai-trong-viec-san-xuat-chip-post1444214.html