Công ty Hải Đăng từng cùng Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu trăm tỷ
Công ty Cổ phần Hải Đăng đã liên danh cùng nhiều 'ông lớn' ngành xây dựng tại nhiều gói thầu nghìn tỷ. Trong đó, doanh nghiệp này cũng từng cùng Tập đoàn Thuận An làm gói thầu hơn nghìn tỷ.
Công ty Cổ phần Hải Đăng được thành lập vào ngày 5/11/2008, có trụ sở chính đặt tại số 20 đường số 22, khu phố 2, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM, và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ông Đỗ Đức Bình (SN 1976) là người đại diện pháp luật, đồng thời giữ chức vụ Tổng Giám đốc, còn ông Thái Trường Giang (SN 1972) là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cuối năm 2020, Công ty có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó ông Thái Trường Giang sở hữu 99,4%, còn vợ ông Giang - bà Lê Thị Thu Vân sở hữu 0,3%. Vào tháng 7/2021, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, sau đó đến tháng 6/2023, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên 700 tỷ đồng, tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Theo thông tin trên trang chủ, Hải Đăng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, sản xuất kết cấu thép và cung cấp vật liệu xây dựng.
Công ty Hải Đăng là đối tác quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Tây Ninh. Tại Tây Ninh, Hải Đăng đã tham gia xây dựng nhiều dự án quan trọng như khách sạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, trụ sở Ngân hàng TMCP BIDV Tây Ninh, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh, Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Tây Ninh và nhiều tuyến đường quan trọng khác.
Hải Đăng cũng đảm nhận thi công nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN) với vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) và Thành Thành Công (huyện Trảng Bàng). Các dự án này bao gồm nhà máy dệt của Công ty TNHH Xin Sheng (Việt Nam), nhà máy sản xuất sợi màu Brotex (Việt Nam), nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Sailun (Việt Nam), nhà máy dệt vải màu 30 triệu mét của Công ty TNHH Luthai (Việt Nam) và nhiều dự án khác.
Ngoài ra, Hải Đăng mở rộng hoạt động vào lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo. Công ty đã thâu tóm CTCP Công nghệ môi trường Tây Ninh và nắm giữ 35% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh. Tuy nhiên, vào năm 2018, Hải Đăng đã thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh. Công ty cũng tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với hai nhà máy điện mặt trời là Hoàng Thái Gia và Suối Ngô 1.
Tại tỉnh Tây Ninh, liên danh Tập Đoàn Thuận An - Công ty CP Hải Đăng trúng gói thầu hơn 300 tỷ đồng thi công Dự án ĐT.&93 và cầu Suối Núc, kênh Tân Hưng, suối Ky Tây Ninh do Ban QLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư.
Tiếp đó, tại TP.HCM Tập đoàn Thuận An liên danh với Công ty CP Hải Đăng; Công ty TNHH XD và khảo sát công trình Thanh Tuấn; Công ty CP XD TM Thới Bình; Công ty CP XDTM Phương Nguyệt; Công ty CP XDVT Hoàng Ngân thi công gói XL05 dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên trị giá hơn 561 tỷ đồng.
Cụ thể, với Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, Tập đoàn Thuận An liên danh cùng nhiều công ty khác tham gia 2 gói thầu XL-05 và XL-06.
Trong đó gói thầu XL-05 (đoạn từ cầu Tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng), Tập đoàn Thuận An là thành viên của của Liên danh Công ty Công ty CP Hải Đăng, Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn, Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình, Công ty CP Xây dựng Thương mại Phương Nguyệt…
Theo hợp đồng giữa các bên, Tập đoàn Thuận An thực hiện thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuât (trừ hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải, có giá trị 77,5 tỉ đồng/561,5 tỷ đồng (chiếm 13,80% của hợp đồng). Giá trị đã tạm ứng chưa thu hồi của Tập đoàn Thuận An theo hợp đồng là 22,7 tỷ đồng.
Đối với gói thầu XL-06, đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương, Tập đoàn Thuận An là thành viên của Liên danh Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình, Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn, Công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng Nguyễn Lê, Công ty CP công trình Giao thông Công chánh…
Theo hợp đồng, Tập đoàn Thuận An thực hiện thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (trừ hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải, tương đương giá trị 53,6 tỷ đồng (chiếm 11,7% của hợp đồng). Công ty này đã tạm ứng 15,3 tỷ đồng.
Tại dự án xây dựng nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 – huyện Bình Chánh), Tập đoàn Thuận An là thành viên của liên danh Công ty CP Hải Đăng, Tổng công ty xây dựng Thăng Long thực hiện gói thầu HC2 hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (hướng từ KCX Tân Thuận về huyện Bình Chánh). Giá trị gói thầu 262 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí dự phòng), trong đó Tập đoàn Thuận An là 94,6 tỷ đồng.
Tập đoàn Thuận An liên danh với Tổng công ty Thăng Long; Công ty CP Hải Đăng trúng gói thầu hơn 236 tỷ đồng thi công hầm chui HC2 và trạm bơm tại TP.HCM.