Công ty mẹ Dệt may Thành Công báo lãi tháng 5 gấp đôi cùng kỳ

5 tháng đầu năm, công ty mẹ Dệt may Thành Công đã thực hiện 69% kế hoạch lợi nhuận năm.

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5 của công ty mẹ. Cụ thể, doanh thu hơn 13,08 triệu USD (317 tỷ đồng), tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,14 triệu USD (27,6 tỷ đồng), tăng 116% so với tháng 5/2023.

TCM cho biết, trong tháng 5, lượng hàng xuất khẩu của công ty sang thị trường châu Á chiếm 69,3%, châu Mỹ chiếm 26,7%, châu Âu chiếm 4%.

Nguồn: TCM.

Nguồn: TCM.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu công ty mẹ ước đạt 64,09 triệu USD (1.554 tỷ đồng), tăng 12% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu đến từ sản phẩm may (75%), tiếp theo là vải (15%), sợi (9%)…

Lãi sau thuế khoảng 4,72 triệu USD (114 tỷ đồng), tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2023. So với kế hoạch năm đặt ra, công ty đã thực hiện được lần lượt 41% chỉ tiêu doanh thu và 69% mục tiêu lợi nhuận.

Nguồn: TCM.

Nguồn: TCM.

TCM cho biết, công ty đã và đang nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II, khoảng 83% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III.

Thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo TCM cho biết trong năm nay công ty có thể nhận được đơn hàng lớn khoảng 10 triệu sản phẩm từ đối tác chiến lược E-Land, cao gấp đôi sản lượng năm ngoái. Công ty cũng mua lại nhà máy SY Vina để nhận được nhiều đơn vải dệt.

Ngoài ra, công ty dệt may này còn tiết lộ sẽ chuyển nhượng dự án nhà máy Vĩnh Long 6,5 ha và cả nhà máy Trảng Bàng do không có nhu cầu sản xuất, lợi nhuận từ bán tài sản này sẽ chưa đưa vào kế hoạch và kỳ vọng tăng lợi nhuận thực tế.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo ngành dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Trong khi tại thị trường trong nước, dệt may nội địa đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nước ngoài.

Báo cáo trích dẫn khảo sát của Hiệp hội Thời trang Mỹ (USFIA) về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các nước tại thị trường này. Hiện, Việt Nam vẫn có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh, cho thấy lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, so với năm 2020, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giảm điểm trong khi các nước đang tăng dần.

 Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và Trung Quốc đang giảm dần. (Ảnh: VDSC).

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và Trung Quốc đang giảm dần. (Ảnh: VDSC).

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cong-ty-me-det-may-thanh-cong-bao-lai-thang-5-gap-doi-cung-ky.html