Công ty mỏ Trung Quốc giấu số lao động mắc COVID-19 gây hoang mang

Trong 6 tháng qua, ông Lúis Lopez liên tục yêu cầu Chinalco, nhà sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc và là chủ sở hữu mỏ đồng Toromocho ở miền trung Peru, công bố con số thợ mỏ mắc COVID-19 thực sự. Sau đó, Lúis Lopez bị sa thải.

Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Nam Mỹ lo ngại những khu mỏ do công ty Trung Quốc khai thác là ổ dịch COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Nam Mỹ lo ngại những khu mỏ do công ty Trung Quốc khai thác là ổ dịch COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Theo cựu lãnh đạo công đoàn đoàn Lúis Lopez, Chinalco vẫn chưa cho biết vào giai đoạn hai tháng 7 và 8 có bao nhiêu thợ mỏ xét nghiệm dương tính với COVID-19, đem lại rủi ro lớn cho hàng nghìn lao động. Cả trụ sở Chinalco tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lẫn công ty con tại Peru đều từ chối đưa ra bình luận.

Hoạt động khai khoáng (đồng, kẽm, vàng,…) chiếm hơn 9% nền kinh tế trị giá 227 tỷ USD của Peru và chiếm khoảng 60% giá trị xuất khẩu của nước này. Năm 2019, ngành sử dụng hơn 208.000 lao động trực tiếp, tạo ra 1,3 triệu việc làm trong hàng loạt dịch vụ phục vụ khai khoáng.

Chính phủ Lima đang cố cân bằng giữa chống dịch COVID-19 với khôi phục hoạt động kinh tế nhằm tránh viễn cảnh GDP sụt giảm 12% như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo. Trong tháng 3.2020, Tổng thống Peru ra sắc lệnh yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hai tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Khi tình hình khó khăn đẩy không ít đơn vị đến bờ vực phá sản vào cuối tháng 5, giới chức quốc gia này lại cho phép các công ty để lao động tạm nghỉ không lương.

Giữa lúc Nam Mỹ lao đao vì COVID-19, Trung Quốc đẩy mạnh viện trợ hàng y tế đến hơn 20 quốc gia ở khu vực. Ngoại trưởng Vương Nghị từng tuyên bố sẵn sàng cấp khoản vay 1 tỉ USD giúp tiếp cận vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển.

“Ngoại giao y tế” không thể khiến lực lượng công nhân và nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) ngừng phàn nàn về tình trạng thiếu biện pháp bảo vệ ngăn lây nhiễm COVID-19 ở những khu mỏ do công ty Trung Quốc khai thác.

Giám đốc tổ chức CooperAccíon (chuyên giám sát công ty khai khoáng Trung Quốc), Julia Cuadros bày tỏ lo ngại hàng loạt khu mỏ đã trở thành nơi lây lan dịch bệnh COVID-19. Bà nhận xét, trong số công ty khai khoáng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Peru thì công ty Trung Quốc là kém minh bạch nhất.

“Chúng tôi không biết được có bao nhiêu lao động làm việc tại khu mỏ Trung Quốc mắc COVID-19. Các công ty cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với cơ quan chức năng địa phương”, bà Cuadros nói.

Kể từ tháng 4.2020, người dân một số làng tiến hành chặn đường tiếp cận mỏ đồng Bambas miền nam Peru thuộc sở hữu công ty MMG (cổ đông chính là Tập đoàn Ngũ khoáng Trung Quốc) do lo sợ thợ mỏ đi xe buýt vào làm việc sẽ lây COVID-19 cho cộng đồng địa phương.

Lo ngại không chỉ giới hạn ở Peru. Tháng 5 vừa qua, 73 NGO trên khắp Nam Mỹ cùng ký một lá thư cáo buộc 6 doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc hoạt động tại Peru, Ecuador, Argentina vi phạm luật lao động và phá hoại môi trường. Thế nhưng sau đó, việc phản đối đi vào im lặng.

Chinalco, MMG, Thụ Cương Hierro Peru đều bị nhắc đến. Lá thư cho biết ba công ty không cung cấp đồ bảo hộ cho công nhân.

Cựu lãnh đạo công đoàn Lúis Lopez xác định thợ mỏ Chinalco dương tính COVID-19 vào tháng 6 không chỉ có 71 trường hợp như công ty công bố. Con số không tính đến lượng lao động thuê ngắn hạn.

Khu mỏ đồng Toromocho có 1.400 lao động thường trực và 2.000 lao động ngắn hạn. Nếu tính cả lao động ngắn hạn thì con số mắc COVID-19 thực tế có thể lên đến hàng trăm.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/cong-ty-mo-trung-quoc-giau-so-lao-dong-mac-covid-19-gay-hoang-mang-143589.html