Công ty Pháp bán được trái tim nhân tạo hoàn thiện đầu tiên
Carmat-công ty của Pháp chuyên sản xuất bộ phận giả cho cơ thể người - hôm 19/7 cho biết đã bán thương mại trái tim nhân tạo đầu tiên cho một bệnh nhân Italy.
Theo AFP, ca ghép tim sẽ được thực hiện tại bệnh viện Azienda Ospedaliera dei Colli ở Naples, bởi nhóm do bác sĩ Ciro Maiello đứng đầu. Bệnh viện Azienda Ospedaliera dei Colli là một trong những trung tâm dày dạn kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tim nhân tạo ở Italy.
Carmat cho biết đồng thời nhấn mạnh việc bán tim nhân tạo thương mại đầu tiên là một bước ngoặt quan trọng giúp mở ra chương mới trong hành trình phát triển của họ.
Được thành lập từ năm 2008, Carmat là công ty chuyên sản xuất bộ phận giả cho cơ thể người. Tháng 12 năm ngoái Hãng đã được chứng nhận CE marking, cho phép bán trái tim nhân tạo Aeson của họ trên khắp thị trường châu Âu để phục vụ nhu cầu cấy ghép.
Chứng nhận này được cấp dựa trên kết quả một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2016 cho đến nay. Theo đó, vào tháng 11/2019, kết quả từ 11 bệnh nhân đầu tiên trong thử nghiệm lâm sàng cho thấy 73% sống sót trong 6 tháng với sự hỗ trợ của trái tim giả.
Theo Reuters, tim nhân tạo Aeson sử dụng các vật liệu và cảm biến sinh học để mô phỏng trái tim thật. Về cơ bản, nó hoạt động giống như một máy bơm cơ học để điều chỉnh lưu lượng máu. Hiện sản phẩm đặc biệt này có giá hơn 180.000 USD (hơn 4 tỷ đồng); nặng 900 g, gấp 3 lần so với tim người.
Đại diện của Carmat nhấn mạnh, đây là một trong những quả tim nhân tạo đầu tiên được sử dụng ngoài phạm vi nghiên cứu lâm sàng.
Trước đó, tim Aeson đã được ghép cho một bệnh nhân ở Mỹ nhưng là trong khuôn khổ nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện Đại học Duke, TP Durham, bang Bắc Carolina. Carmat cũng đang tìm kiếm 10 bệnh nhân phù hợp để tham gia vào một nghiên cứu đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt.
Công ty này hy vọng rằng sản phẩm của họ sẽ tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn ở Pháp và Đức vào cuối năm nay.
Bệnh tim là bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo thống kê của bệnh viện đại học Duke, tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có thêm 100.000 bệnh nhân suy tim nhưng chỉ 3.000 - 4.000 người trong số này được phẫu thuật ghép tim. Ướ́c tính, hiện cũng có khoảng 2.000 bệnh nhân suy tim hai thất nằm trong danh sách chờ ghép tạng trên khắp Tây Âu. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ của Carmat, 5 bệnh viện ở Đức đang phân tích các hồ sơ bệnh nhân để tìm kiếm ứng viên ghép tim nhân tạo.
Minh Hoa (t/h)