Công ty Trung Quốc tháo chạy khỏi bất động sản thương mại Mỹ
Trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã lùng mua hàng loạt khách sạn sang trọng, cao ốc văn phòng và bất động sản thương mại khác ở Mỹ bao gồm những thương vụ gây tiếng vang. Nhưng giờ đây, họ đang bán tháo các tài sản đó vì gặp khó khăn tài chính.
Theo nhà cung cấp dữ liệu MSCI Real Assets, các công ty Trung Quốc đã bán ròng 23,6 tỉ đô la bất động sản thương mại ở Mỹ kể từ đầu năm 2019, đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ. Từ năm 2013 đến năm 2018, họ mua ròng gần 52 tỉ đô la bất động sản thương mại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã thâu tóm các cao ốc văn phòng cũ, khu phát triển bất động sản thương mại và khách sạn ở Mỹ, đặc biệt là ở Manhattan, New York, nơi họ thường gây chú ý khi mua với giá cao ngất ngưởng. Tập đoàn bảo hiểm Anbang đã mua lại khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng ở thành phố New York vào năm 2015 với giá 1,95 tỉ đô la, mức giá cao nhất từ trước đến nay đối với một khách sạn độc lập ở Mỹ.
Doug Harmon, Chủ tịch thị trường vốn tại Công ty môi giới Cushman & Wakefield, nhận xét: “Họ dường như có số tiền không giới hạn và rất khao khát mua những tài sản có giá trị đặc biệt lớn”.
Joel Rothstein, Chủ tịch Công ty luật bất động sản châu Á Greenberg Traurig, nhận thấy đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản Mỹ bắt đầu giảm từ 4 năm trước khi Bắc Kinh tìm cách hạn chế các công ty chuyển tiền ra khỏi đất nước. Một số người mua bất động sản ở Mỹ tích cực nhất đã gặp rắc rối về tài chính. Quan hệ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư.
Các công ty Trung Quốc chưa bao giờ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư vào bất động sản thương mại của Mỹ, ngay cả trong thời kỳ họ hoạt động bận rộn nhất. Nhưng họ lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, theo Jim Costello, nhà kinh tế trưởng tại MSCI Real Assets. Khi các công ty Trung Quốc trả những khoản tiền lớn để mua những tòa nhà đắc địa ở Manhattan, các giao dịch này thường trở thành tiêu chuẩn cho các bất động sản lân cận và khuyến khích những người bán khác ra giá ở mức cao tương tự.
Các giao dịch của người Trung Quốc ở Manhattan đôi lúc trở thành điểm tham chiếu cho mức định giá bất động sản ở các thành phố khác của Mỹ. Bằng cách này, tác động của dòng tiền Trung Quốc ngấm dần vào thị trường bất động sản thương mại của Mỹ, giúp thúc đẩy giá tăng khắp cả nước.
Theo nhà môi giới cho biết, trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc sẵn sàng trả cao hơn hẳn so với các đối thủ vì họ muốn xây dựng uy tín và danh tiếng nhờ sở hữu các tòa nhà nổi tiếng ở New York và vì họ có kế hoạch nắm giữ tài sản trong nhiều năm,
Các nhà môi giới và nhà đầu tư cho biết giá trị của nhiều bất động sản này đã giảm mạnh trong thời gian gần đây do lãi suất tăng cao cao hơn, nhu cầu đi công tác giảm và nhu cầu thuê văn phòng yếu.
Trong tháng này, tín quỹ đầu tư bất động sản SL Green Realty Corp. đã đạt được thỏa thuận thâu tóm tòa tháp văn phòng 245 Park Avenue cao 44 tầng ở Manhattan từ chủ sở hữu đã phá sản của nó là một một công ty liên kết của Tập đoàn HNA Group (Trung Quốc). Khi HNA trả 2,2 tỉ đô la để mua lại tòa tháp văn phòng này vào năm 2017, đó là một trong những thương vụ đắt giá nhất đối một cao ốc văn phòng ở Mỹ.
HNA, công ty sở hữu một hãng hàng không và mạnh mua sắm hàng loạt tòa nhà nổi tiếng và đắt giá trên toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2017, rơi vào cơn túng quẫn tài chính vào năm 2018. Kể từ đó, HNA đã bán bớt hoặc mất hầu hết các tài sản nắm giữ tại Mỹ do bị siết nợ.
Các công ty Trung Quốc khác cũng đang rút lui. Công ty phát triển bất động sản China Oceanwide Holdings đã chứng kiến một số dự án của công ty này ở Mỹ rơi vào tay các chủ nợ. Tập đoàn bảo hiểm Dajia (tên mới của Tập đoàn bảo hiểm Anbang Group) đã tìm cách thanh lý danh mục đầu tư khách sạn trị giá hàng tỉ đô la, trong đó có khách sạn Essex House ở Manhattan.
Tuy nhiên, thương vụ bán các bất động sản này cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset của Hàn Quốc sụp đổ khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Một số bất động sản này, được mua trong những năm thị trường bùng nổ, hiện đang rơi vào khó khăn tài chính. Joel Rothstein, Chủ tịch Greenberg Traurig, cho biết: “Hầu hết các giao dịch mà chúng tôi đang thực hiện với các nhà đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc hiện nay đều liên quan đến thỏa thuận giải quyết vỡ nợ thế chấp, tái cấu trúc hoặc thanh lý”.
Những trải nghiệm ‘đau thương’ gần đây của các nhà đầu tư Trung Quốc có nét tương đồng với làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào thị trường bất động sản Mỹ vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Các công ty Nhật Bản đã trả giá cao để mua các bất động sản văn phòng nổi tiếng, bao gồm Rockefeller Center ở New Yor trong thời kỳ thị trường bùng nổ, để rồi chịu tổn thất nặng nề khi thị trường suy sụp.
Các công ty Trung Quốc chưa từ bỏ hoàn toàn thị trường bất động sản thương mại của Mỹ. Tập đoàn bảo hiểm Dajia đang chuyển đổi một phần của khách sạn Waldorf Astoria thành các căn hộ. Harmon của Cushman & Wakefield cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc hiện nay không còn mặn mà với bất động sản thương mại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới và các công ty Hàn Quốc, Đức, Singapore đang lấp vào chỗ trống của họ.
Theo WSJ
Chánh Tài