Công ty xuất khẩu chật vật vì tỉ giá, nhà băng cam kết sẽ linh hoạt
Trong bối cảnh tỉ giá và chính sách thuế quốc tế liên tục biến động, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang chật vật xoay xở dòng tiền và giữ thị phần.
Ngày 25-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 tổ chức Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu về lĩnh vực ngân hàng”.
Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là tỉ giá và chính sách thuế quan từ các thị trường lớn.
Hội nghị nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giải đáp những khó khăn thực tế trong giao dịch ngân hàng, từ đó tìm ra các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động xuất khẩu và tiếp tục phát triển.
Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật vì tỉ giá
Một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị là sự biến động của tỉ giá và những rủi ro đi kèm.
Đại diện Công ty gỗ Cainver chia sẻ tâm tư: Chúng tôi không chỉ phải đối mặt với việc giữ chân thị trường và đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động, mà còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến động tỉ giá. Ngay lập tức, các đối tác lớn đã yêu cầu đàm phán lại giá bán, thậm chí lùi thời hạn thanh toán tới 90–120 ngày, trong khi trước đây thanh toán diễn ra ngay khi nhận hàng.
“Sau đại dịch COVID-19, chúng tôi như những ‘anh hùng thời bình’ khi vượt qua cơn khủng hoảng. Nhưng giờ đây, với hàng loạt biến động địa chính trị và thương mại, chúng tôi không chắc có thể tiếp tục tồn tại hay không nếu không có sự đồng hành thực sự từ phía ngân hàng và chính quyền”, đại diện Cainver chia sẻ đầy trăn trở.
Một thực tế khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là sự khác biệt trong cách tiếp cận từ ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước. Trong khi một số ngân hàng quốc tế nhanh chóng giới thiệu các gói bảo hiểm rủi ro tỉ giá, thì các ngân hàng trong nước – dù đã có mối quan hệ tín dụng lâu dài – lại chưa chủ động đưa ra giải pháp tương tự.
Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác nêu rõ khó khăn trong việc tiếp cận giao dịch ngoại tệ kỳ hạn. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp chốt tỉ giá ở thời điểm hiện tại cho các giao dịch trong tương lai, qua đó tránh được rủi ro biến động. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng yêu cầu ký quỹ 100% giá trị ngoại tệ ngay tại thời điểm ký hợp đồng – điều rất khó thực hiện đối với doanh nghiệp, nhất là khi quy mô giao dịch lớn.
“Chúng tôi rất mong có chính sách linh hoạt hơn từ phía nhà điều hành hoặc các ngân hàng thương mại, để doanh nghiệp có thể chủ động phòng ngừa rủi ro tỉ giá mà không bị đè nặng bởi yêu cầu ký quỹ quá cao”, đại diện doanh nghiệp nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu mong tỉ giá tăng để có thêm lợi nhuận, trong khi nhập khẩu lại sợ tỉ giá tăng sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên. Ảnh minh họa
Ký quỹ là cần thiết, nhưng có thể linh hoạt
Trước phản ánh từ doanh nghiệp, ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng HDBank – đã làm rõ lý do vì sao nhiều ngân hàng vẫn yêu cầu ký quỹ đối với giao dịch ngoại tệ kỳ hạn.
Theo ông, khi doanh nghiệp A ký hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn trong 6 tháng với ngân hàng, ngân hàng phải dành riêng một lượng ngoại tệ cho hợp đồng này. Nếu sau đó doanh nghiệp hủy giao dịch, ngân hàng buộc phải bán lại số ngoại tệ đó. Trong trường hợp tỉ giá giảm, ngân hàng sẽ bị lỗ. Vì vậy, việc yêu cầu ký quỹ chính là để bảo vệ ngân hàng trước những biến động không mong muốn.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết không phải ngân hàng nào cũng áp dụng một mức ký quỹ cứng nhắc. “Nếu doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt, dòng tiền ổn định và uy tín cao, chúng tôi hoàn toàn có thể linh hoạt – thậm chí không yêu cầu ký quỹ,” ông khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Khu vực 2 – nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn bám sát nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, tỉ giá không thể giữ cố định một cách máy móc mà phải có sự điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.
Theo ông Lệnh, hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ. Đồng thời, ông khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh – như hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn – để phòng ngừa rủi ro.
Doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong nhóm ưu tiên
Một thông tin tích cực được chia sẻ tại hội nghị là việc doanh nghiệp xuất khẩu hiện nằm trong 5 nhóm ngành ưu tiên được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 4%/năm. Đây là chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định vốn, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn vay vốn bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, tùy theo nhu cầu thực tế – giúp linh hoạt hơn trong điều hành tài chính.
Hội nghị đối thoại đã ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng từ doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo cơ hội để ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe và phản hồi trực tiếp. Trong bối cảnh bất định toàn cầu, doanh nghiệp không thể “đơn thương độc mã” mà rất cần sự đồng hành chủ động, linh hoạt từ phía ngân hàng.
Kết luận hội nghị, đại diện ITPC khẳng định sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, ngân hàng, đồng thời kiến nghị những cơ chế mới, hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vững vàng vượt sóng.