Công ước Hà Nội: Tạo thời cơ cho xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng
Công ước về tội phạm mạng của Liên hợp quốc sẽ được ký tại Hà Nội trong năm 2025 (Công ước Hà Nội). Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội mở ra cánh cửa cho xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của Việt Nam.
Công ước gồm 9 Chương và 71 Điều là kết quả của gần 4 năm đàm phán (2021-2024) giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm mạng.

Tấn công trên không mạng ngày càng phổ biến.
Công ước thừa nhận tác động ngày càng lớn của tội phạm mạng đối với các nạn nhân và ưu tiên công lý, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, đề cao sự cần thiết của hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và hợp tác giữa các quốc gia cùng các bên liên quan khác. Công ước cũng nhắc đến các rủi ro đáng kể do việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động tội phạm diễn ra với quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có. Công ước nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà các loại tội phạm này có thể gây ra đối với các quốc gia, doanh nghiệp, cũng như đời sống và phúc lợi của cá nhân và xã hội. Tập trung bảo vệ khỏi các hành vi như: khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến…
Với việc các thành viên LHQ nhất trí lựa chọn Hà Nội - Việt Nam là nơi tổ chức lễ ký kết Công ước, theo các chuyên gia, đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện công ước, tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), Công ước Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức về an ninh mạng tại Việt Nam. Bởi trong thời gian qua, những vấn đề liên quan đến pháp lý đã làm cho các doanh nghiệp, tổ chức an ninh mạng Việt Nam gặp khó khi đưa các sản phẩm, dịch vụ của chúng ta ra nước ngoài.
Ông Sơn hy vọng Công ước Hà Nội sẽ giúp thu hẹp khoảng cách pháp lý giữa các quốc gia, sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn chung cho các quốc gia về an ninh mạng. Đồng thời là cơ hội để Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng ra nước ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Sơn cũng mong muốn có những cơ chế mới để các đơn vị tư nhân có thể tham gia vào xây dựng các sản phẩm an ninh mạng quốc gia. Điều đó sẽ giúp cho các sản phẩm của Việt Nam được phát triển hơn nữa. Đặc biệt với giới công nghệ, những doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp được nhiều hơn vào sự phát triển chung của an ninh mạng Việt Nam. Công ước Hà Nội cũng tạo điều kiện cho các chuyên gia, công ty về an ninh mạng tại Việt Nam có môi trường thực tế lớn để tạo ra được những sản phẩm, giải pháp không chỉ phù hợp với nhu cầu ở Việt Nam mà có thể trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Quân - Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin (Tập Đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) cho biết, Công ước Hà Nội thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc hợp tác có trách nhiệm với cộng đồng thế giới trong việc chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ nhận được sự chia sẻ và phối hợp của các tổ chức quốc tế trong việc ngăn ngừa tội phạm mạng tấn công từ nước ngoài vào. Đồng thời, khi Công ước Hà Nội được ký kết ở Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghệ trong nước giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới nhiều quốc gia, mở ra cơ hội để thâm nhập thị trường quốc tế.