Chuyên canh bơ xuất khẩu trên vùng đất đá lộ đầu

Vùng đất đá lộ đầu tại các xã Bàu Hàm 2 và Quang Trung, huyện Thống Nhất thường có đá nhiều hơn đất nên suốt thời gian dài hầu như chỉ canh tác được những cây hàng năm, cho hiệu quả kinh tế kém. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, các địa phương này hình thành được vùng chuyên canh các giống bơ xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bơ phủ xanh vùng đất đá lộ đầu tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Vườn bơ phủ xanh vùng đất đá lộ đầu tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Nông dân trồng bơ trên vùng đất này sớm ứng dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP và đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ để làm ra sản phẩm an toàn. Nhờ đó, các giống bơ trồng trên vùng đất này cho chất lượng ngon, an toàn, được thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng.

Vùng đất đá phù hợp cho cây bơ phát triển

Lần đầu đến xã Bàu Hàm 2 tham quan những vườn trồng bơ phát triển tốt tươi, trái sai trĩu cành, ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy bên dưới là tầng tầng, lớp lớp những tảng đá lộ đầu đen bóng, nhiều chỗ không nhìn thấy được đất thịt. Trước đây, vùng đất này thường chỉ trồng được cây điều hoặc các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp.

Để phát triển kinh tế, nhiều nông dân tại vùng đất này từng trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây trồng khác nhau như: chuối, cây thuốc lá, hồ tiêu... nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Ông Trịnh Văn Thu, nông dân trồng bơ tại xã Bàu Hàm 2 kể: “Tôi từng thử nghiệm với rất nhiều cây trồng trên vùng đất này từ cây điều, cây chuối đến hồ tiêu. Thất bại nặng nề nhất là tôi đổ vốn vào trồng tiêu, đến khi gần cho thu hoạch thì cây tiêu chết hàng loạt vì dịch bệnh. Sau đó, tôi mới chuyển sang cây bơ khi thấy một số nông dân đầu tư phát triển được những vườn bơ không chỉ đạt về năng suất mà mẫu mã đẹp, chất lượng trái cũng rất ngon”.

Kể về lịch sử phát triển của cây bơ ở vùng đất này, ông Nguyễn Quang Hạnh, nông dân tại xã Quang Trung có vườn bơ rộng hơn 2 hécta chia sẻ thêm, vườn bơ của ông có những gốc bơ hơn 10 năm tuổi, thuộc loại cây bơ lâu năm ở vùng này. Theo lời ông Hạnh: “Thời đó, tôi ra chợ mua bơ về ăn, thấy bơ ngon nên đem hạt đi trồng thử dù không biết đó là giống bơ gì”. Những cây bơ ông Hạnh trồng thử nghiệm cứ thể phát triển tốt tươi, cho trái sai với chất lượng ngon. Qua tìm hiểu, ông biết đây là giống bơ không tên, một giống bơ đặc sản của đất Đồng Nai rất được thị trường ưa chuộng nên ông đã nhân rộng vườn bơ như hiện nay.

Theo những nông dân trồng bơ tại xã Bàu Hàm 2, thổ nhưỡng đặc thù của vùng đất đá lộ đầu cộng với kỹ thuật của người trồng, cây bơ trồng ở đây thường cho thu hoạch sớm hơn nhiều địa phương khác. Một số nhà vườn từ tháng 11 dương lịch đã bắt đầu có thu hoạch và thường hết mùa vào cuối tháng 3. Nhờ thu hoạch sớm, có những vụ thu hoạch, bơ không tên bán tại vườn có giá lên đến 80-90 ngàn đồng/kg mang lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Ông Trịnh Công Thành, nông dân trồng bơ tại xã Bàu Hàm 2 cho biết, năm nay ảnh hưởng của thời tiết thất thường, nhiều vườn bơ cho thu hoạch trễ nên hiện vùng này vẫn đang còn bơ. Do thu hoạch vào thời điểm nhiều vùng khác cùng vào vụ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm hơn nhiều so với vài tháng trước đó. Tuy nhiên, với mức giá từ 25-30 ngàn đồng/kg, nhà vườn vẫn có lợi nhuận vì vụ này cây bơ cho năng suất cao.

Ngoài giống bơ không tên, tại các xã Quang Trung, Bàu Hàm 2, nông dân còn sưu tầm trồng thêm các giống bơ đặc sản được thị trường ưa chuộng như: bơ ông Khôi, bơ Quốc Minh, bơ Năm Lóng...

Làm trái bơ sạch, chất lượng

Theo nông dân trồng bơ của huyện Thống Nhất, khoảng chục năm trước khi chưa xuất khẩu, bơ không tên bán với giá chưa đến 10 ngàn đồng/kg. Những năm gần đây, thương lái thu mua bơ cung cấp cho thị trường xuất khẩu nên giá bơ thường ở mức cao. Cụ thể, đầu vụ thu hoạch năm nay, giá bơ không tên nông dân bán tại vườn được 80 ngàn đồng/kg, chính vụ cũng có giá khoảng 40 ngàn đồng/kg. Theo đó, nông dân tại địa phương phát triển mạnh cây bơ, hình thành vùng chuyên canh trồng bơ đặc sản.

Đây cũng là nguyên nhân nông dân trồng bơ tại địa phương này sớm có ý thức trồng bơ an toàn, đạt tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Theo đó, từ 3 năm trước, nông dân trồng bơ tại địa phương quan tâm ứng dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác bơ Bàu Hàm 2 – Quang Trung Phạm Duy Long, sự thay đổi lớn nhất khi nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP là ý thức quan tâm đến sự an toàn trong việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học. Nông dân cũng rất quan tâm sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhiều nông dân trồng cỏ trong vườn để cải tạo đất; tự ủ phân hữu cơ chăm sóc cho cây trồng.

Ông Long so sánh, về hiệu quả lâu dài thì 1 cây bơ lạm dụng phân thuốc hóa học thường hơn 10 năm là bắt đầu suy cây. Nhưng trồng theo hướng hữu cơ, cây phát triển khỏe thì càng lâu năm, năng suất càng tăng, có thể cho thu hoạch kéo dài 40-50 năm. Sản xuất theo hướng hữu cơ, các vườn bơ cho năng suất cao. Cụ thể, 1 vườn bơ giai đoạn bói hiện đã cho thu hoạch được hơn 10 tấn/hécta, khi cây bơ phát triển lâu năm, năng suất có thể tăng gấp đôi, gấp 3 so với thời điểm hiện nay.

Tại vùng đất phủ kín đá lộ đầu, cây bơ vẫn vươn lên xanh tốt.

Tại vùng đất phủ kín đá lộ đầu, cây bơ vẫn vươn lên xanh tốt.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh cho hay, huyện Thống Nhất có khoảng 3 ngàn hécta đất đá lộ đầu. Thời chưa được đầu tư đường điện, thiếu nước sản xuất, vùng đất này hầu như không phát triển được cây trồng gì. Sau này, nông dân trồng chuối sứ, dựa vào nguồn nước trời nên hiệu quả kinh tế cũng không cao. Sau khi thử nghiệm qua nhiều loại cây trồng khác nhau, nông dân tập trung phát triển cây bơ vì vùng đất này phù hợp cho cây bơ phát triển. Đến nay, toàn huyện phát triển được gần 300 hécta bơ. Riêng xã Bàu Hàm 2 phát triển được hơn 30 hécta đã cho thu hoạch. Ngoài ra, diện tích bơ được trồng mới cũng không ngừng tăng cao tại các xã Bàu Hàm 2, Quang Trung. Trong đó, có gần 15 hécta được cấp chứng nhận VietGAP.

Theo ông Vinh, nông dân đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cụ thể là sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng hệ thống tưới tự động thông minh… Nhờ đó, cây bơ ở vùng đất này đạt năng suất rất cao, phát triển tương đối bền vững. Đặc biệt, ngoài trồng các giống bơ đặc sản, cây bơ ở vùng đất này cho thu hoạch sớm so với các địa phương khác nên luôn bán được với giá cao. Cụ thể, vụ thu hoạch này, nhiều nông dân sản xuất giỏi tại địa phương đạt lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng/hécta trồng bơ. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/chuyen-canh-bo-xuat-khau-tren-vung-dat-da-lo-dau-bbd2f51/