Công việc nào an toàn trước làn sóng bùng nổ AI?

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, câu hỏi đặt ra là: liệu còn công việc nào miễn nhiễm với làn sóng công nghệ này?

Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế trưởng của Financial Times (FT), từng cho rằng làm vườn có thể là công việc an toàn nhất. Nhưng sáng hôm sau, chính FT lại đăng bài viết mô tả những khu vườn được AI trồng, với hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, máy dò sâu bệnh, robot nhổ cỏ và bù nhìn laser. Quan điểm tưởng chừng chắc chắn đã bị lung lay.

Tình huống này làm nổi bật một thực tế rằng công nghệ không nhất thiết thay thế hoàn toàn công việc, mà thay đổi bản chất của chúng. Một công việc thường là tổ hợp nhiều nhiệm vụ, và AI có thể đảm nhiệm một phần trong số đó. Người làm vườn, chẳng hạn, không chỉ cắt cỏ hay nhổ cỏ, mà còn thiết kế không gian ngoài trời và tương tác với khách hàng. AI có thể hỗ trợ từng phần, nhưng khó có thể thay thế toàn bộ.

AI không thay thế hoàn toàn công việc, nhưng đang tái định hình chúng, đòi hỏi con người thích ứng để không bị bỏ lại - Ảnh: Grok AI

AI không thay thế hoàn toàn công việc, nhưng đang tái định hình chúng, đòi hỏi con người thích ứng để không bị bỏ lại - Ảnh: Grok AI

Công việc thay đổi, không biến mất

Vấn đề cốt lõi nằm ở cách AI sẽ làm biến đổi công việc hiện tại và liệu những phiên bản công việc mới sau khi được AI tái định hình có còn hấp dẫn, đáng để người lao động tiếp tục gắn bó hay không.

Câu hỏi này không mới. Từ đầu thế kỷ 19, phong trào Luddite đã biểu tình chống lại máy dệt vì lo sợ bị thay thế. Tuy nhiên, tác động của công nghệ không phải lúc nào cũng là tiêu cực. Lịch sử cho thấy, trong một số trường hợp, nó khiến công việc trở nên sáng tạo hơn, giá trị hơn.

Hai ví dụ minh họa rõ ràng là bảng tính kỹ thuật số và tai nghe hướng dẫn kho hàng (như thiết bị Jennifer). Khi bảng tính xuất hiện vào năm 1979, nó đã thay đổi hoàn toàn công việc kế toán. Thay vì phải ngồi hàng giờ làm phép tính thủ công, kế toán giờ đây có thể dành thời gian cho những việc cao cấp hơn như phân tích, lập kế hoạch và đưa ra chiến lược. Công việc vì thế trở nên sáng tạo và giá trị hơn.

Ngược lại, thiết bị Jennifer lại làm điều ngược lại trong kho hàng. Nó thì thầm chỉ dẫn từng bước cho nhân viên kiểm kê, loại bỏ mọi yêu cầu tư duy. Kết quả, một nghề được nâng tầm, còn một nghề bị đơn giản hóa đến mức nhàm chán.

Nghiên cứu cứu mới từ MIT (Mỹ) đi sâu vào vấn đề này bằng cách so sánh hai nghề có tính chất tương đồng khi đối mặt với tự động hóa, nhằm xem xét liệu chúng có chịu tác động theo cùng một cách hay không.

Về lý thuyết, kế toán và nhân viên kiểm kê đều làm việc với dữ liệu, số liệu, kiểm tra chênh lệch. Nếu máy tính có thể xử lý các tác vụ đó, thì cả hai nghề đều nên chịu ảnh hưởng tương đương. Nhưng thực tế lại khác, lương kế toán tăng, còn lương nhân viên kiểm kê giảm.

Nguyên nhân bắt nguồn từ sự liên kết chặt chẽ giữa các nhiệm vụ trong một công việc. Khi tự động hóa loại bỏ phần công việc mang tính tư duy khỏi vị trí kiểm kê, những gì còn lại chủ yếu là lao động tay chân. Ngược lại, công việc kế toán dù mất đi khâu tính toán đơn giản nhưng vẫn giữ lại, thậm chí phát triển thêm, các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cao như phân tích, ra quyết định và mô phỏng rủi ro. Do đó, nghề kiểm kê trở nên ít chuyên môn hơn, trong khi kế toán lại đòi hỏi trình độ cao hơn trước.

Công nghệ không chỉ thay đổi việc làm

Điều này dẫn đến một mối lo cụ thể. Với mỗi công việc, AI có thể thay thế những phần khác nhau, đôi khi là những nhiệm vụ đơn giản mà người lao động muốn loại bỏ, nhưng cũng có thể là những phần phức tạp, vốn làm nên giá trị và chuyên môn của họ.

Nếu AI thay thế phần hay nhất, công việc sẽ trở nên nhàm chán. Nếu nó gánh phần nặng nhọc, bạn được giải phóng để làm việc sáng tạo hơn. Và điều này ảnh hưởng đến cả mức lương, cơ hội thăng tiến và cảm giác ý nghĩa trong công việc.

Chẳng hạn, AI là công cụ động não tuyệt vời, giúp chúng ta liên kết ý tưởng nhanh, tạo ra hàng loạt phương án. Với một người tổ chức trò chơi nhập vai, điều đó thật lý tưởng. AI đẩy nhanh phần chuẩn bị để họ tập trung vào trải nghiệm sáng tạo cùng bạn bè.

Nhưng với những ai làm công việc sáng tạo như một lối thoát khỏi sự tẻ nhạt hàng ngày, AI lại tước đi khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Sự hỗ trợ của AI trong trường hợp đó không mang tính giải phóng, mà giống như tước quyền được sáng tạo.

Công cụ tốt nhất không phải là robot nhổ cỏ

Quay lại với người làm vườn: Những cỗ máy ngoài vườn như robot nhổ cỏ hay bù nhìn laser có thể không quá đe dọa. Thứ họ cần hơn là một trợ lý ảo có thể soạn email, quản lý lịch hẹn, phản hồi khách hàng chuyên nghiệp. Những AI thư ký như vậy đã sẵn sàng.

Điều đó cho thấy AI hữu ích nhất không phải lúc nào cũng là thứ đắt đỏ nhất hay phức tạp nhất. Nó là công cụ gỡ rối chính xác điểm yếu của con người trong hệ sinh thái công việc.

Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà chuyên môn được định nghĩa lại. Không phải ai có bằng cao, lương cao đều miễn nhiễm. Điều quan trọng là kỹ năng của con người có phối hợp hiệu quả với AI hay không. Nếu có, chúng ta sẽ thăng hoa cùng công nghệ. Hoặc không, chúng ta có thể bị bỏ lại phía sau.

AI sẽ không xóa bỏ toàn bộ công việc. Nhưng nó sẽ định hình lại bản chất công việc, và tái cấu trúc thị trường lao động theo cách sâu sắc hơn nhiều so với những gì các cuộc cách mạng công nghiệp trước từng làm.

Câu hỏi không phải là: "Liệu AI có thay thế chúng ta không?" mà là: "Chúng ta sẽ thay đổi như thế nào để đồng hành được với AI?".

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cong-viec-nao-an-toan-truoc-lan-song-bung-no-ai-234571.html