Động lực tăng trưởng mới từ những quyết sách điều hành mạnh mẽ
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, năm 2025 trở thành năm thử thách năng lực điều hành, sự linh hoạt chính sách và mức độ kiên định với cải cách thể chế của Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7,5%, nhưng sau đó nâng lên 8% như một tín hiệu thể hiện quyết tâm chính trị nhằm tạo đà cho tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, mục tiêu này ngay lập tức đối mặt với những thách thức từ bên ngoài.
Điển hình là tuyên bố của Hoa Kỳ về khả năng áp thuế lên đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Thông tin này ngay lập tức đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế phòng thủ.
Trong khi đó, thực tế, sau gần bốn thập niên đổi mới, Việt Nam đã thiết lập được nền tảng tăng trưởng tương đối ổn định với tốc độ trung bình 6,5% mỗi năm – dù không quá cao so với nhiều nước công nghiệp hóa thành công nhưng thể hiện sự bền bỉ đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là những dấu hiệu ngày càng rõ rệt về sự suy giảm động lực tăng trưởng truyền thống và sự cạn kiệt của các lợi thế cạnh tranh cũ như lao động giá rẻ, khai thác đất đai và tài nguyên.
"Năm 2025 trở thành năm thử thách năng lực điều hành, sự linh hoạt chính sách và mức độ kiên định với cải cách thể chế của Việt Nam", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, đã nhận định như thế tại Tọa đàm "Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây.
Theo ông Tuấn, những quyết định được đưa ra trong năm nay, từ thúc đẩy đầu tư công, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đến ổn định vĩ mô sẽ không chỉ định hình kết quả tăng trưởng trước mắt mà còn đặt nền móng cho năng lực phát triển dài hạn. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thiết lập một quỹ đạo tăng trưởng mới nhanh hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn cho cả thập niên phía trước.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright. Ảnh: DN
3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2025
Vietstats – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu kinh tế - đưa ra ba kịch bản tăng trưởng cho năm 2025 với các giả định khác nhau, phản ánh mức độ không chắc chắn ngày càng lớn của môi trường kinh tế trong và ngoài nước.
Ở kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 7,41%, được xem là kịch bản có xác suất cao nhất (50%–55%) trong bối cảnh vĩ mô duy trì ổn định, đầu tư công được đẩy mạnh (giải ngân trên 90%), tín dụng tăng trưởng khá (khoảng 14%), và tiêu dùng cùng FDI duy trì ở mức ổn định.
Đây là kịch bản khả thi nếu không xuất hiện các cú sốc lớn thêm nữa từ bên ngoài và cũng phản ánh ngưỡng tăng trưởng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế vẫn dựa phần lớn vào các động lực truyền thống như đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, theo kịch bản này, mức thuế đối ứng trung bình sau đàm phán với Chính quyền Trump được giả định giảm từ mức đề xuất ban đầu 46% xuống dưới 25%, nhưng vẫn cao hơn mức kỳ vọng 20% trong kịch bản tích cực. Mức thuế này dù chưa gây ra cú sốc nghiêm trọng cho xuất khẩu, nhưng cũng đủ để làm gia tăng chi phí, giảm biên lợi nhuận và tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Nguồn: Vietstats
Từ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến trình nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, minh bạch hóa xuất xứ và kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm tránh bị phân loại nhầm là hàng chuyển tải.
"Kịch bản cơ sở cho thấy một bức tranh tăng trưởng ổn định nhưng không dễ dàng, đòi hỏi điều hành chính sách phải thận trọng, linh hoạt và có trọng tâm. Việc duy trì mức tăng trưởng trên 7% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang giảm tốc dù sao cũng là một thành quả không nhỏ", ông Tuấn đánh giá.
Với kịch bản tích cực, mức tăng trưởng ước đạt 7,87%, được đặt ra như một mục tiêu kỳ vọng chính sách. Tuy xác suất xảy ra chỉ khoảng 20%–25%, nhưng đây là kịch bản duy nhất có khả năng tiệm cận ngưỡng 8% mà Chính phủ đã đặt ra.
Điều kiện để đạt được kịch bản này là sự hội tụ của nhiều yếu tố mang tính đột phá, như cải cách thể chế thực chất, giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95%, tín dụng tăng trên 16%, và đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao được thu hút mạnh mẽ, đi kèm cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh.
Theo kịch bản này, việc đàm phán thương mại với Mỹ đạt được kết quả tích cực, đưa mức thuế suất đối ứng xuống dưới 20%, nhờ đó giúp giảm áp lực cho khu vực xuất khẩu, duy trì ổn định dòng đơn hàng và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn, điều này cũng củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo dư địa cho các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao tiếp tục mở rộng.
"Thành công trong kịch bản này đòi hỏi không chỉ sự quyết liệt trong điều hành mà còn sự phối hợp chính sách đồng bộ, thống nhất và kịp thời giữa các cấp, các ngành. Việc chuyển từ kỳ vọng chính sách sang thực tiễn tăng trưởng đột phá sẽ phụ thuộc vào khả năng biến cam kết thành hành động cụ thể, nhất là cải cách thể chế, cải thiện năng lực thực thi và khơi thông nguồn lực trong nước", ông Tuấn nhận định.

Tăng trưởng chi ngân sách so với tăng trưởng GDP danh nghĩa - Nguồn: Vietstats.
Cuối cùng, ở kịch bản tiêu cực, phản ánh khả năng nền kinh tế bị tổn thương nặng nề nếu môi trường bên ngoài xấu đi đáng kể. Với mức tăng trưởng chỉ đạt 6,78%, đây là kịch bản có thể xảy ra nếu kinh tế toàn cầu giảm tốc sâu, thương mại bị gián đoạn, đầu tư công chậm giải ngân và khu vực tư nhân tiếp tục rơi vào trạng thái phòng thủ.
Trong kịch bản này, những điểm yếu cố hữu như độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI, cũng như thể chế thực thi kém hiệu quả sẽ bộc lộ rõ rệt và làm trầm trọng thêm đà giảm tốc.
Đặc biệt, trong kịch bản này, nếu đàm phán không đạt kết quả tích cực, mức thuế đối ứng của Mỹ có thể bị đẩy lên trên 25%, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành có biên lợi nhuận thấp. Điều này không chỉ làm giảm xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và tâm lý thị trường.
Cũng trong kịch bản này, dư địa chính sách sẽ bị thu hẹp, trong khi yêu cầu ổn định vĩ mô đi kèm với chính sách hỗ trợ tăng trưởng trở nên khó lựa chọn hơn bao giờ hết.
Nhưng, điều đáng suy ngẫm, theo chuyên gia của Fulbright, ngay cả trong kịch bản tích cực – với tất cả điều kiện thuận lợi và nỗ lực cải cách – tăng trưởng cũng chỉ dừng ở mức dưới 8%. Điều này phản ánh một thực tế rằng: mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đã tiệm cận giới hạn nếu không có những cải cách thể chế mạnh mẽ và không khơi thông được các động lực tăng trưởng nội sinh.
"Thẳng thắn, trong ba kịch bản ấy, chỉ có một lựa chọn thực sự cho Việt Nam: lựa chọn cải cách để tránh rơi vào bẫy trung bình, để vượt trần tăng trưởng và để đặt nền móng cho thịnh vượng dài hạn. Đây không còn là vấn đề của xác suất may rủi mà là bài toán của quyết tâm chính trị và năng lực hành động", ông Tuấn nhấn mạnh.
"Gót chân Achilles" của nền kinh tế
Xét về dài hạn, chuyên gia đến từ Trường chính sách công và quản lý Fulbright nhấn mạnh đến việc cần đánh giá sâu hơn về sự suy giảm đồng loạt của cả ba trụ cột tăng trưởng lâu nay gồm: tổng cầu nội địa – tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu chính phủ. Đây vốn là những động lực nội địa thiết yếu duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.
Sự suy giảm này, theo ông Tuấn, không chỉ phản ánh sự suy yếu tạm thời sau dịch bệnh hay các cú sốc bên ngoài mà còn gợi mở một vấn đề sâu xa hơn: năng lực hấp thụ và vận hành của nền kinh tế đang đối mặt với giới hạn nội tại.
"Kết quả này dường như trái ngược với mong muốn tăng cường tính tự chủ, tự lực, tự cường của nền kinh tế", ông Tuấn nhận định.
Đầu tiên, xét ở yếu tố tiêu dùng hộ gia đình – vốn là động lực then chốt của tăng trưởng nội địa – đang suy giảm rõ rệt về vai trò trong nền kinh tế. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP đã giảm mạnh từ 66,5% vào năm 2000 xuống chỉ còn 52,8% vào năm 2024. Đây là xu hướng giảm dài hạn chứ không phải là nhất thời.
Điều này phản ánh một thực trạng, nhất là sau đại dịch Covid-19, tâm lý phòng thủ của người dân vẫn chưa được gỡ bỏ. Thu nhập thực tế tuy có phục hồi nhưng chưa đủ vững chắc, trong khi kỳ vọng về tương lai kinh tế còn mờ nhạt, khiến hộ gia đình có xu hướng tích lũy hơn là chi tiêu.
Hiện tượng gia tăng tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu báo hiệu một lực cản tiềm ẩn đối với đà phục hồi tổng cầu trong ngắn hạn. Việc khơi thông sức mua và phục hồi niềm tin tiêu dùng không chỉ là nhiệm vụ ngắn hạn mà phải trở thành một ưu tiên nếu Việt Nam muốn tái thiết động lực tăng trưởng từ nội lực thay vì tiếp tục lệ thuộc vào cầu từ bên ngoài.
Thứ hai, với yếu tố đầu tư tư nhân - yếu tố tạo năng suất và tích lũy vốn dài hạn cũng đang sụt giảm rõ rệt. Nguyên nhân không chỉ nằm ở chi phí tài chính hay điều kiện tín dụng mà sâu hơn là tình trạng thiếu niềm tin từ khu vực doanh nghiệp.
Khi triển vọng thị trường thiếu rõ ràng, chi phí tuân thủ cao, rủi ro pháp lý lớn và chính sách thiếu nhất quán, doanh nghiệp có xu hướng co cụm thay vì đầu tư mở rộng. Cùng lúc, đầu tư công, đáng lý có thể đóng vai trò dẫn dắt thì lại bị chậm giải ngân và thiếu hiệu quả kết nối, khiến hiệu ứng lan tỏa sang khu vực tư nhân không như kỳ vọng.
Thứ ba, chi tiêu công. Yếu tố này dù thường được truyền thông như một chính sách tài khóa mở rộng nhưng trên thực tế lại tăng chậm hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Tỷ lệ bội chi và nợ công giảm liên tục cho thấy sự thận trọng trong điều hành ngân sách, nhưng cũng đồng thời phản ánh rằng dư địa chính sách tài khóa chưa được sử dụng đúng thời điểm và đúng quy mô.
Trong khi nền kinh tế cần một lực đẩy mạnh từ nhà nước để kích thích tổng cầu thì chính sách lại có phần dè dặt, dẫn đến hiệu quả kích thích chưa rõ ràng.
"Phải nhìn vào sự thật, cả ba cấu phần quan trọng nhất của tổng cầu nội địa đang trong trạng thái suy yếu, kéo theo hệ quả: nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào chi tiêu và cầu từ bên ngoài. Mô hình hướng ngoại từng giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh trong ba thập niên qua, nhưng trong điều kiện toàn cầu hóa đảo chiều, rủi ro địa chính trị tăng cao và chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, sự lệ thuộc này có thể trở thành gót chân Achilles của nền kinh tế", ông Tuấn nhận định.