Công việc ngành Y đặc thù vất vả, nguy hiểm nhưng đãi ngộ chưa tương xứng
Nếu có các chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ tương xứng cho nhân viên y tế sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn để các y, bác sĩ có thể an tâm phát huy hết tài năng, mang lại lợi ích lớn cho xã hội và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhiều nguyên nhân khiến nhân lực ngành Y nghỉ việc
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, năm 2024, ngành Y tế thành phố ghi nhận 642 viên chức nghỉ việc, trong đó, có 286 bác sĩ, 259 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y nghỉ việc, giảm 28,5% so với năm 2023. Năm 2023, ngành Y tế thành phố có 898 viên chức, trong đó, có 350 bác sĩ, 365 điều dưỡng, nữ hộ sinh nghỉ việc, giảm so với năm 2021 và 2022.
Đáng lưu ý, số nhân viên y tế nghỉ việc có thời gian công tác lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn cao. Trong khi đó, hầu hết nhân viên mới tuyển dụng lại là bác sĩ, điều dưỡng trẻ, mới tốt nghiệp, phải mất thời gian ngắn để đào tạo.

Nhân viên y tế là những người phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực, nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trên thực tế, không chỉ tại TP.HCM, trên cả nước, tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế giỏi, có chuyên môn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư hoặc nghỉ việc, chuyển nghề do áp lực công việc và thu nhập thấp đã và đang diễn ra. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế, gây nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn.
Các chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một phần là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở khiến nhân viên y tế có xu hướng chuyển sang làm việc tại các đơn vị y tế công lập khác, tư nhân, phòng khám tư nhân để có thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế quyết định nghỉ việc do áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay; môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng…
Ngoài ra, lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua cũng là một số nguyên nhân khiến nhân viên y tế quyết định nghỉ việc để chuyển sang công tác ở lĩnh vực mới.
Cần chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ cán bộ y tế
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán làm sao để "giữ chân" và thu hút nhân lực trong các đơn vị y tế công lập, cần xây dựng các chính sách mang tính bền vững như điều chỉnh chế độ lương, đãi ngộ đối với nhân viên y tế đã gắn bó với cơ sở y tế đã lâu.
Bởi lẽ, khi nhân viên y tế được ưu đãi hơn, ví dụ về thu nhập, điều kiện làm việc, họ sẽ chuyên tâm vào công việc hơn, không phải lo nghĩ chuyện cơm áo, mưu sinh. Nói cách khác, ưu đãi tốt hơn cũng đặt nhân viên y tế vào trọng trách mà họ buộc phải dốc sức, dốc lòng hoàn thành.

Cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với cán bộ y tế, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Một vị lãnh đạo trường Y đã từng phân tích trên truyền thông về sự cần thiết của việc có chế độ đãi ngộ tương xứng với nhân viên y tế như: Muốn tốt nghiệp ngành y, nhất là bác sĩ sẽ tốn nhiều thời gian hơn nhiều ngành nghề khác; rồi muốn đi làm, trở thành bác sĩ có thể đảm đương công việc quan trọng thì mất cả chục năm nữa, thậm chí lâu hơn. Các khóa học, chi phí học nâng cao nghiệp vụ ngành y cũng rất đắt đỏ, chiếm thời gian dài.
Hơn nữa, các y, bác sĩ không chỉ phục vụ bệnh nhân mà còn chịu kỳ vọng và trách nhiệm trước người nhà bệnh nhân, nhiều trường hợp là của cả xã hội. Thời gian làm việc của các y, bác sĩ rất áp lực, không kể sáng hay tối, ngày hay đêm. Có những bác sĩ, nhân viên y tế gần như có rất ít thời gian dành cho gia đình, con cái vì phải làm nhiệm vụ.
Hay có những nhân viên y tế rời phố về quê, làm việc ở những nơi có điều kiện khó khăn, đồng nghĩa với việc họ chịu thiệt thòi hơn ở nhiều khía cạnh như điều kiện sinh hoạt, làm việc, thậm chí vợ chồng, con cái của họ cũng thiệt thòi theo nhưng họ vẫn làm. Điều đó có nghĩa là đây không chỉ là cống hiến mà còn là một sự hy sinh thầm lặng.
Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, nếu có các chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ tương xứng cho nhân viên y tế sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn, thông thoáng hơn để các y, bác sĩ có thể an tâm phát huy hết tài năng, mang lại lợi ích lớn cho xã hội và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.