COP 27: Bồi thường biến đổi khí hậu, cơ hội nào cho Việt Nam
Tại phiên khai mạc COP 27 ngày 6/11 vừa qua tại Ai Cập, vấn đề các nước giàu có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Bồi thường biến đổi khí hậu - Chủ đề nóng tại COP 27
Theo đó, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã nhất trí thảo luận về việc các nước giàu có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu hay không?
Đây là chủ đề đang nhận được sự quan tâm và thu hút rất lớn và cũng là chủ đề gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự của COP 27, chủ đề này cũng đã nhận được sự thông qua của các đại biểu ngay trong ngày khai mạc.
Theo đó, các bên sẽ thảo luận về những vấn đề xoay quanh các thỏa thuận tài trợ khắc phục tổn thất và thiệt hại liên quan đến những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung quan trọng là nhận diện những tổn thất và thiệt hại.
Trong tuyên bố tại phiên khai mạc, Chủ tịch COP27 Sameh Shukri nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự chính thức của COP dành một đề mục riêng cho vấn đề hết sức cấp bách là các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hẹp những khoảng cách, khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Cơ hội nào cho Việt Nam
Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển do Ngân hàng Thế giới thực hiện và công bố vào tháng 7/2022, những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho thấy Việt Nam đang phải chịu cái giá đắt từ biến đổi khí hậu.
Báo cáo đã chỉ ra rằng Việt Nam đã mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông. Điều này đã khiến Việt Nam được xếp vào là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng.
Tính đến năm 2040 cần đầu tư 368 tỷ USD để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. 300 địa phương ven biển có nguy cơ lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giảm tính cạnh tranh.
Với vị thế là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lúa cùng với đó, 50% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sinh sống của 17 triệu người lại đang có nguy cơ ngập lụt vì mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy hải sản.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, để xây dựng khả năng chống chịu sẽ không hề rẻ. Tổng nhu cầu tài chính cho Việt Nam ước tính khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040 (hay khoảng 4,7% GDP mỗi năm), bao gồm khoảng 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng, cộng với 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội.
Hành trình khử carbon sẽ đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt được phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực đang là nguồn phát thải chính gồm năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Để đạt mục tiêu trên, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và tư nhân.
Trong lộ trình khử carbon, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2022 – 2040 lên tới 114 tỷ USD (hay 2,1% GDP/năm), chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và để bù đắp cho các tài sản bị mắc kẹt), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD).
Trước những thiệt hại to lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cần một nguồn tài chính rất lớn để có thể triển khai các giải pháp ứng phó và chống chịu một cách hiệu quả.
Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về Biến đổi khí hậu nhận định: “Với việc Hội nghị COP 27 đưa ra vấn đề bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nếu được thông qua đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam để có thể thu hút được các nguồn tài chính từ quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Hội nghị COP 27 các đại biểu sẽ đưa ra thảo luận nhiều vấn đề thực hiện Công ước cụ thể:
Về nội dung giảm phát thải khí nhà kính: COP 27 đánh giá nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia thông qua các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nộp trước COP27, nhằm hướng tới đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. Tại Hội nghị các quốc gia, tổ chức quốc tế sẽ chia sẻ những gì đã và đang thực hiện về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ quy định của Thỏa thuận Paris cũng như các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.
Hội nghị COP27 sẽ thúc đẩy thực hiện 3 quy trình mới của Gói thỏa thuận khí hậu Glasgow gồm: Chương trình làm việc về “tăng cường quy mô tham vọng và thực hiện giảm phát thải; bàn tròn cấp bộ trưởng thường niên về tham vọng trước năm 2030; báo cáo hàng năm tổng hợp nỗ lực trong NDC của các quốc gia.
Về thích ứng với BĐKH: COP 27 thảo luận các nội dung Ủy ban thích ứng về các khoảng trống, nhu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu và việc thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP process); thảo luận nội dung cụ thể của chương trình nghị sự Glasgow-Sharm el-Sheikh về mục tiêu toàn cầu về thích ứng liên quan đến điều 7/CMA.3 về mục tiêu thích ứng toàn cầu đã được thông qua tại Hội nghị COP26 nhằm tăng cường hỗ trợ thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mục tiêu thích ứng toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương; đánh giá Quỹ thích ứng lần thứ 4 theo quyết định 4/CMP.16.
Về tài chính khí hậu: Cop 27 tiếp tục làm rõ tiến độ huy động 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, làm rõ nguồn lực hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại tại các nước đang phát triển; cuộc họp lần thứ 7 về cơ chế tài chính của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xem xét hoạt động của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và các quỹ hỗ trợ thực hiện biến đổi khí hậu khác.
Về khung thời gian chung: COP 27 thảo luận thống nhất khung thời gian để nộp các NDC tiếp theo của các quốc gia, dự kiến các quốc gia nộp NDC2 vào năm 2025 cho giai đoạn 2025-2035; nộp NDC3 vào năm 2030 cho giai đoạn 2030-2040 và thực hiện việc này mỗi 5 năm sau đó nhằm thống nhất về thời gian, nội dung NDC cho dễ so sánh, đánh giá và tổng hợp (các NDC hiện nay, kể cả bản cập nhật đều gọi là NDC1 và được xây dựng theo khuôn mẫu mỗi quốc gia tự chọn nên rất khó so sánh NDC giữa các quốc gia với nhau).
Về tổn thất và thiệt hại: COP 27 tiếp tục thảo luận về Mạng lưới Santiago của cơ chế quốc tế Vác-xa-va về tổn thất và thiệt hại. Nội dung tập trung vào vai trò và trách nhiệm của ban thư ký, sự cần thiết thành lập ban cố vấn, vai trò của đầu mối về tổn thất và thiệt hại, báo cáo và rà soát, thủ tục công nhận thành viên của mạng lưới, vai trò của Ban điều hành cơ chế quốc tế Vác-xa-va về tổn thất và thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đối thoại Glasgow về tổn thất và thiệt hại.
Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST): COP 27 đưa ra nội dung cần chuẩn bị để thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên vào năm 2023 nhằm xác định thiếu hụt và tăng cường tham vọng của các bên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, đóng góp tài chính và hỗ trợ công nghệ cho các nước đang phát triển.
Cơ chế thị trường và phi thị trường: COP 27 tiếp tục thảo luận hướng dẫn thực hiện cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hỗ trợ phát triển bền vững theo Thỏa thuận Paris, các quy định kỹ thuật nhằm bảo đảm hỗ trợ phát triển thị trường các-bon và áp dụng các công cụ quản lý (thuế các-bon, dán nhãn các-bon, dấu chân các bon, điều chỉnh biên giới các-bon…) trong thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân.
Ngoài các nội dung nêu trên, các Bên cũng sẽ tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề khác như quy định của Nghị định thư Kyoto sau năm 2020; giới và biến đổi khí hậu; hoạt động của Ban Thư ký UNFCCC, các Ban Bổ trợ, các ủy ban và các nhóm công tác khác.
Thu Hường