COP29: Đàm phán tài chính khí hậu trước nhiều rào cản

COP29 đang bước vào giai đoạn quyết định, với những cảnh báo về những thách thức lớn trong việc đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan ngày 12/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang bước vào giai đoạn quyết định, với những cảnh báo về những thách thức lớn trong việc đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vấn đề cốt lõi của hội nghị năm nay xoay quanh việc xác định hình thức, nguồn lực và quy mô của gói hỗ trợ tài chính. Với thời hạn chót vào ngày 22/11 đang đến gần, sự thất vọng về tiến độ chậm chạp đã bắt đầu lan tỏa khắp các phòng đàm phán.

Ông Yalchin Rafiyev, trưởng đoàn đàm phán của nước chủ nhà Azerbaijan (A-déc-bai-dan), cho biết "phần khó khăn nhất bây giờ mới bắt đầu" trước khi một bản dự thảo mới được công bố lúc 20h00 GMT (theo giờ địa phương) tại thủ đô Baku.

Các nước giàu và đang phát triển đang chia rẽ sâu sắc về quy mô của mục tiêu tài chính mới. Mục tiêu này nhằm thay thế cam kết 100 tỷ USD mỗi năm từ các nước phát triển được đưa ra năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầy đủ.

Ông Adonia Ayebare, đại diện Uganda, Chủ tịch nhóm G77 và Trung Quốc gồm hơn 130 quốc gia đang phát triển, cho biết nhóm này yêu cầu các nước giàu cung cấp 1.300 tỷ USD cho tài chính khí hậu mỗi năm. Trò chuyện với hãng tin Reuters, ông Ayebare đã bày tỏ sự thất vọng vì các nước giàu có chưa đưa ra phản hồi.

Một nhà đàm phán khác từ một nước đang phát triển tiết lộ với Reuters rằng Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất mức 200 tỷ USD hoặc 300 tỷ USD trong các cuộc thảo luận không chính thức. Tuy nhiên, vào ngày 20/11, EU khẳng định họ chưa có lập trường chính thức về con số này.

Ủy viên EU về khí hậu, ông Wopke Hoekstra cho biết khối này chưa sẵn sàng thảo luận về con số cụ thể cho đến khi có thêm chi tiết về cơ cấu.

Các quốc gia vẫn chưa thống nhất về việc liệu các nền kinh tế lớn đang phát triển, bao gồm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, có đóng góp vào mục tiêu này hay không.

Bên cạnh vấn đề tài chính, các cuộc đàm phán về việc đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng đang gặp nhiều khó khăn. Sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch tại Dubai năm 2023, các quốc gia vẫn chưa thống nhất được để tiếp tục công việc này tại Baku.

Việc đạt được một cam kết mới về cắt giảm khí thải nhanh chóng đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi các nhà khoa học ngày càng tin rằng mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể không đạt được.

Nhà khí hậu học người Pháp Robert Vautard cho biết nếu xu hướng hiện tại không thay đổi, "chúng ta sẽ vượt qua ngưỡng 1,5 độ C vào đầu những năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn một chút".

Minh Hằng (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cop29-dam-phan-tai-chinh-khi-hau-truoc-nhieu-rao-can/354118.html