Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, ngày 10/10/1954, năm cửa ô rộng mở, ngập trong cờ hoa và biểu ngữ đón chào đoàn quân tiến về Hà Nội, chính thức vào tiếp quản thủ đô. Và ngày 10/10/1954 là ngày đánh dấu mốc son lớn cho lịch sử dân tộc Việt Nam: Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng.
Đứng sừng sững, uy nghi trên đường Điện Biên Phủ, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cột cờ Hà Nội là một di tích kiến trúc độc đáo, là nhân chứng lịch sử của Thủ đô.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng vào năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn.
Tại Cột cờ Hà Nội đã có 2 trận chiến nổ ra giữa binh lính triều đình nhà Nguyễn và binh lính Pháp lần thứ nhất năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882, binh lính Pháp đã chiếm được nơi này làm nơi đóng quân. Họ đã sử dụng Cột cờ làm nơi quan sát trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta.
Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Cột cờ Hà Nội được xây dựng bao gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau. Ở mỗi cấp, tường xây được trang trí bằng những hoa văn khác nhau, tuy đơn giản nhưng lại tạo ra những đường nét mềm mại và vẻ đẹp riêng.
Tầng một, mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa. Trừ cửa hướng Bắc, trên các cửa khác đều có đắp hai chữ tên riêng. Trên cửa hướng Đông là “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), trên cửa Tây là “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), trên cửa Nam là “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng).
Cửa Đông giúp cho công trình này có được ánh sáng buổi sớm, cửa Tây đón ánh sáng buổi chiều, còn cửa Nam tiếp nhận ánh sáng ở những thời điểm mà hai cửa kia không tiếp nhận được, hoặc để đón ánh sáng ở khoảng trung gian.
Những cửa này thông với nhau qua cửa tò vò, tạo nên nhiều phòng nhỏ có trần vòm cuốn. Tại trần nhà của cửa hướng Bắc có hai lỗ thông lên mặt sân thượng, có thể là ống truyền âm từ trên xuống (dạng loa miệng). Cửa hướng Bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt.
Kể từ khi được xây dựng, Cột cờ Hà Nội đã trở thành chứng nhân cho những biến cố thăng trầm của Thủ đô.
Năm 1954, trước ngày quân ta vào giải phóng Hà Nội, quân đội Pháp ra lệnh phá hủy đoạn Cột cờ bằng sắt trên tháp Cột cờ Hà Nội làm khó cho người tiếp quản. Trung đội 52 thuộc Tiểu đoàn 444 Trung đoàn Công binh 151 tăng cường cho Trung đoàn Thủ đô được giao khôi phục lại đoạn cột cờ ấy và tiến hành treo cờ lên cột.
Theo lệnh của Đại đoàn trưởng Đại đoàn quân tiên phong Vương Thừa Vũ: “Bằng mọi giá, đơn vị phải thay được chiếc cột cờ đã gãy trên tháp và làm sao phải kéo được Quốc kỳ lên, chuẩn bị cho lễ chào cờ mừng Thủ đô Hà Nội giải phóng vào ngày 10/10/1954. Mọi việc phải hoàn tất trong đêm 9/10/1954”.
Nhận nhiệm vụ, cả trung đội đều hào hứng tìm giải pháp dựng cột cờ và kéo cờ lên đỉnh. Đêm 9/10/1954, các chiến sĩ bộ đội công binh của Trung đoàn Thủ đô nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ lắp lên cột cờ một ống thép nặng 200 kg để treo lá cờ Tổ quốc rộng hơn 50 mét vuông.
15 giờ chiều 10/10/1954, bộ đội và nhân dân Thủ đô Hà Nội, từ các hướng đổ về Kỳ đài.
Tại đây, sau hồi còi dài từ Nhà hát thành phố vang lên, lá cờ Tổ quốc hiên ngang từ từ được kéo lên cao. Lần đầu tiên sau 9 năm kháng chiến, cờ Tổ quốc lại tung bay chào đón các binh đoàn hành quân về giải phóng Thủ đô và hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội. Lá quốc kỳ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m vuông được may bằng vải phi bóng, góc cờ chần hình quả trám để có thể chịu được những trận gió to. Bất kể lúc nào lá cờ bị bạc màu hay bị rách sẽ được thay ngay lập tức để giữ gìn một biểu tượng thiêng liêng của đất nước.
Trải qua thăng trầm của thời gian, Cột cờ Hà Nội đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến. Năm 1989, Cột cờ Hà Nội đã được công nhận là di tích lịch sử. Hình ảnh Cột cờ còn được chọn làm mẫu trên các áp phích, con tem, bìa sách...; đã đi vào sáng tác của không ít các văn nghệ sĩ và in đậm trong trái tim mỗi người yêu Hà Nội.
Trải qua thời gian, vượt qua mọi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng sừng sững mang lá cờ Tổ quốc, biểu trưng cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội chính là một “nhân chứng lịch sử”, một biểu tượng vinh quang và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.