Cột cờ Lũng Pô, nơi sông Hồng chảy vào đất Việt
Cột cờ Lũng Pô ở xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đánh dấu điểm đầu tiên con sông Hồng chảy vào đất Việt và là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia của Việt Nam.
Câu hát “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" trong bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng" của nhạc sĩ Thuận Yến từ lâu đã khá quen thuộc với khán, thính giả Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người con đất Việt vẫn chưa biết, hoặc chưa từng đặt chân đến nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Cột cờ Lũng Pô ở xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) chính là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Để đến được cột cờ Lũng Pô, từ trung tâm TP Lào Cai, du khách di chuyển khoảng 107 km về phía huyện Bát Xát, đường đi nhiều đoạn quanh co và khúc khuỷu. Đặt chân đến đây, mỗi người Việt đều trào dâng cảm xúc tự hào khi tận mắt nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới nơi biên ải.
Cột cờ Lũng Pô được khánh thành vào cuối năm 2017, có tổng chiều cao 41 m, trong đó phần thân cao 31,43 m, tượng trưng cho chiều cao của đỉnh Fansipan (3.143 m). Lá cờ tung bay phấp phới trên đỉnh cột cờ Lũng Pô có diện tích 25 m², tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống ở Lào Cai.
Vì sao lại đặt tên cho cột cờ là Lũng Pô? Lũng Pô vốn là tên 1 con suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đứng từ cột cờ sẽ nhìn rõ được ngã ba sông, một dòng đậm, một dòng nhạt cùng hòa vào nhau.
Để lên trên đỉnh cột cờ, du khách phải bước qua 125 bậc thang xoáy trôn ốc khá cao và dốc. Đứng ở nơi cao nhất này có thể phóng tầm mắt ngắm quang cảnh hùng vĩ, bao la của núi rừng và lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Ở nơi biên cương Tổ quốc này, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng A Mú Sung vẫn đang ngày đêm bảo vệ đường biên, mốc giới của đất nước.
Đây không chỉ là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc mà còn là nơi mỗi người con đất Việt đến tìm hiểu về lịch sử, trân trọng quá khứ và thêm yêu mảnh đất hình chữ S.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cot-co-lung-po-noi-song-hong-chay-vao-dat-viet-383038.html