Covid-19 đang 'phủ bóng đen' lên nợ xấu của các ngân hàng
Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chao đảo, với các ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
Sự hoành hành của dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các ngành nghề, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng thì còn gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Đến thời điểm này, mặc dù đã có 12 ngân hàng tất toán trước hạn nợ xấu đã bán cho VAMC, nhưng xu hướng ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC đang bị chững lại trước rủi ro của đại dịch. Theo đánh giá chung của các ngân hàng, hàng nghìn tỷ đồng dư nợ có nguy cơ chuyển nhóm do doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
Những khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch là doanh nghiệp trong các lĩnh vực: vận tải, kho bãi, lưu trú, du lịch, nhà hàng - ăn uống… Tiếp đó là các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc như: doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thủy sản; các khách hàng phải nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc…
Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do vậy nguy cơ gia tăng nợ xấu rất khó tránh khỏi.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank cho biết, hiện, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng chắc chắn rằng, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền và khả năng trả nợ của khách hàng với Ngân hàng.
Việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cơ cấu cho vay của ngân hàng với ngành nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này có thể tác động tiêu cực và làm gia tăng nguy cơ nợ xấu tại ngân hàng này.
Đề cập đến vấn đề nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, TS. Cấn Văn Lực phân tích, dịch Covid-19 có một số tác động đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ 1, thời điểm này, nhu cầu tín dụng sẽ giảm, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị chậm lại, khả năng tài chính yếu đi, khó có khả năng trả nợ, từ đó dẫn đến nợ xấu tăng.
Một tác động nữa mà chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra là do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
“Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép, nếu hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp nào khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. Do vậy, đây sẽ là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đại dịch khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn, làm tăng trưởng tín dụng chậm lại. Cùng với đó, việc ưu đãi miễn, giảm lãi suất có thể phần nào gây sức ép lên biên lãi ròng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng. Chất lượng tài sản bị tác động tiêu cực do dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo đơn vị này, hiện tại chỉ có doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nhờ Nghị định 116. Còn lại, nguy cơ nợ xấu tăng lên vẫn hiện hữu ở các nhóm du lịch, vận tải.
Nhìn nhận xa hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định, yếu tố rủi ro bất ngờ của dịch bệnh vẫn đe dọa nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh đến triển vọng của ngành ngân hàng nếu dịch bệnh khó kiểm soát, nợ xấu sẽ gia tăng và đáng lo ngại hơn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/covid19-dang-phu-bong-den-len-no-xau-cua-cac-ngan-hang-1016880.vov