COVID-19 ĐNA: Nguy cơ tái bùng dịch ở Indonesia
Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn là ba ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với số ca nhiễm mới công bố hôm 9-6 đều cao hơn 5.000.
Ngày 9-6, 11 nước Đông Nam Á báo cáo gần 23.500 ca nhiễm mới COVID-19 và 422 trường hợp tử vong mới. Tổng số ca nhiễm trong khu vực là gần 4,23 triệu.
Mối nguy COVID-19 sau tháng lễ Ramadan trở nên rõ ràng ở Indonesia
Theo báo cáo ngày 9-6 chính thức của Bộ Y tế Indonesia, nước này đã phát hiện 1.869.325 ca nhiễm COVID-19, tăng 7.725 trường hợp so với báo cáo trước đó một ngày. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất tại Indonesia kể từ ngày 26-2, theo hãng tin Reuters.
Báo cáo ngày 9-6 cũng ghi nhận thêm 170 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở Indonesia lên 52.162.
Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới tăng cùng lúc với sự lây lan của các biến thể nguy hiểm. Đồng thời, lượng người di chuyển tăng cao vào tháng trước, sau đợt lễ Ramadan, cũng có thể gia tăng nguy cơ đối với Indonesia.
Cùng ngày 9-6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt mục tiêu đến tháng 7, nước này có thể thực hiện một triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày. Chương trình tiêm chủng ở thủ đô Jakarta cũng được mở rộng khi giới chức y tế nhận thấy tốc độ lây nhiễm tại tâm dịch này vẫn “khá cao”.
Gần 11,456 triệu người Indonesia (chiếm 28,39% dân số) đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Gần 18,935 triệu người khác đã được tiêm một mũi vaccine, theo Bộ Y tế Indonesia. Các loại vaccine được dùng tại Indonesia là sản phẩm do của một trong các hãng Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc) hay AstraZeneca (Anh) sản xuất.
Số ca nhiễm mới tại Malaysia quay lại mức 6.000
Giới chức Malaysia hôm 9-6 thông báo số ca nhiễm mới đã quay lại mức trên 6.000 với Selangor - bang đông dân nhất cả nước - một lần nữa là tâm dịch, theo hãng thông tấn Bernama.
Ngày 9-6, Malaysia báo cáo thêm 6.239 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 633.891. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 3.611, trong đó 75 trường hợp được báo cáo mới hôm 9-6.
Selangor chiếm tới 2.291 ca nhiễm mới, xếp sau là thủ đô Kuala Lumpur (704 ca) và bang Negeri Sembilan (507 ca).
Bộ Khoa học, công nghệ và đổi mới Malaysia tuyên bố sẽ sớm cung cấp vaccine cho nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là các ngành được phép hoạt động trở lại theo hướng dẫn phòng dịch mới của nước này.
Chính quyền bang Selangor cũng thông báo sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại địa phương này từ tháng sau. Bang này cũng công bố gói hỗ trợ 551,56 triệu ringgit (hơn 3,08 ngàn tỉ đồng) để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Thái Lan lo ngại nguy cơ dịch lây vào nhà máy
Ngày 9-6, Thái Lan công bố thêm 2.680 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này lên 185.228. Số ca tử vong mới là 35, khiến tổng số người chết vì đại dịch ở Thái Lan tăng lên mức 1.332, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng dịch để tránh gây ra các ổ lây nhiễm có thể dẫn tới việc phải đóng cửa toàn bộ nhà máy liên quan. Tính tới ngày 9-6, 7.100 công nhân Thái Lan, làm việc tại 132 nhà máy khác nhau, đã nhiễm COVID-19.
Cùng ngày, tờ Công báo Hoàng gia Thái Lan cho biết các tổ chức tư nhân và các địa phương ở nước này đã được phép độc lập mua vaccine ngừa COVID-19 nếu tuân thủ luật pháp hiện hành và quy định của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của nước này.
Thái Lan mong muốn động thái trên sẽ giúp nước này đảm bảo ít nhất 70% dân số (khoảng 50 triệu người) được tiêm vaccine ngừa COVID-19. CCSA cho biết nước này đã triển khai 5,1 triệu liều vaccine. Nước này lạc quan rằng tới cuối tháng này, sẽ triển khai đủ 10 triệu liều như mục tiêu đã đề ra.
Các cơ quan nhà nước và tư nhân Thái Lan cũng được yêu cầu chia sẻ thông tin về việc tiêm chủng với nhau qua một ứng dụng để “đảm bảo sự an toàn của người dân và sự hiệu quả trong quản lý dữ liệu”.
Công ty Siam Bioscience thuộc Hoàng gia Thái Lan đã được phép sản xuất vaccine ngừa COVID-19 theo giấy phép của AstraZeneca và đã khởi động dây chuyền sản xuất từ ngày 8-6.
Dịch ở Philippines vẫn nghiêm trọng, Brunei không có ca nhiễm mới
Philippines là tâm dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Philippines là 1.286.217, gồm 5.462 trường hợp được báo cáo mới hôm 9-6, theo Tân Hoa Xã.
Giới chức Manila hôm 9-6 cũng báo cáo thêm 126 bệnh nhân chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 22.190.
Campuchia công bố 729 ca nhiễm mới và 11 trường hợp tử vong vì COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 36.240 và tổng số người chết vì COVID-19 là 289.
Ngày 9-6, Myanmar báo cáo thêm 136 ca nhiễm COVID-19 và năm ca tử vong mới. Tổng số người mắc COVID-19 ở Myanmar là 144.715, bao gồm 3.233 bệnh nhân đã tử vong.
Singapore hôm 9-6 báo cáo thêm bốn ca nhiễm COVID-19, mức thấp nhất trong gần bốn tháng qua. Trong đó, chỉ hai trường hợp là ca nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore là 62.223.
Cùng ngày, Timor Leste báo cáo 79 ca nhiễm mới (tổng ca nhiễm là 7.941), Lào chỉ công bố thêm một ca nhiễm (nâng tổng số ca nhiễm lên 1.971), còn số người mắc COVID-19 ở Brunei vẫn là 246 vì không có ca nhiễm mới.
Cả Singapore, Timor Leste, Lào và Brunei đều không báo cáo thêm trường hợp nào tử vong vì COVID-19.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/covid19-dna-nguy-co-tai-bung-dich-o-indonesia-991626.html