COVID-19 khiến người mắc chịu tới 203 di chứng

Nghiên cứu mới cho thấy những người từng mắc COVID-19 có thể chịu đựng tới 203 di chứng.

Bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Ấn Độ. Ảnh: AFP

Bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Ấn Độ. Ảnh: AFP

Theo tờ The Guardian, kết luận trên được đưa ra trong nghiên cứu quy mô quốc tế lớn nhất từ trước tới nay về người mắc COVID-19.

Nghiên cứu phát hiện ra một loạt triệu chứng của người mắc COVID-19 kéo dài, từ sương mù não (một dạng rối loạn nhân thức), ảo giác cho tới rùng mình và ù tai. Các triệu chứng này xuất hiện ở 10 hệ thống cơ quan của cơ thể. Một phần ba số triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng tới bệnh nhân ít nhất 6 tháng.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí EclinicalMedicine của Lancet, khảo sát 3.762 người mắc COVID-19 kéo dài ở 56 quốc gia. Nghiên cứu xác định ra 203 triệu chứng, trong đó 66 triệu chứng được theo dõi trong 7 tháng.

Triệu chứng thường gặp nhất là mệt, tình trạng khó chịu sau gắng sức (sức khỏe giảm sút sau khi bị ốm về thể chất, tinh thần) và sương mù não. Các triệu chứng khác gồm ảo giác, rùng mình, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, suy giảm chức năng tình dục, tim đập nhanh, vấn đề kiểm soát bàng quan, zôna, mất trí nhớ, thị lực mờ, tiêu chảy và ù tai.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy chuỗi các triệu chứng theo thời gian. Athena Akrami, nhà khoa học thần kinh tại Đại học London và là tác giả chính trong nghiên cứu, cho biết: “Sau sáu tháng, phần lớn các triệu chứng còn lại mang tính hệ thống, như điều tiết thân nhiệt, mệt, khó chịu sau gắng sức và triệu chứng thần kinh ảnh hưởng tới não, cột sống, dây thần kinh”.

Những người tham gia nghiên cứu có triệu chứng lâu hơn 6 tháng là 2.454 người. Họ cho biết họ trải qua trung bình 13,8 triệu chứng trong tháng thứ 7.

Trong quá trình mắc bệnh, các triệu chứng ảnh hưởng tới trung bình 9 hệ thống cơ quan trong cơ thể. Bà Akrami cho biết: “Đây là điều quan trọng với các nhà nghiên cứu y khoa đang tìm kiếm cơ chế ẩn của bệnh, cũng quan trọng với các bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, vì nó cho thấy họ không nên chỉ tập trung vào một hệ thống cơ quan nào đó”.

Khoảng 22% người tham gia nghiên cứu cho biết họ không làm việc được do mắc bệnh. Họ bị sa thải, nghỉ ốm kéo dài hoặc bỏ việc. 45% cho biết họ phải giảm lịch làm việc.

Trong khi đó, một bản rà soát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham thực hiện và đăng trên tạp chí Hội Y Khoa Hoàng gia phát hiện ra rằng những người trải qua hơn 5 triệu chứng COVID-19 trong tuần mắc bệnh đầu tiên có rủi ro bị COVID-19 kéo dài, bất chấp tuổi tác hay giới tính.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu khác cho thấy các biến chứng liên quan COVID-19 có thể gây gánh nặng cho hệ thống xã hội và y tế trong những năm tới. Một nửa người nhập viện vì COVID-19 có ít nhất thêm một biến chứng khi nằm viện, còn 1/4 bệnh nhân không thể tự chăm sóc khi xuất viện. Những người gặp biến chứng thần kinh còn khó khăn hơn.

Bà Akrami cho biết: “Rất nhiều phòng khám hậu COVID-19 ở Anh đã tập trung vào hồi phục hệ hô hấp cho bệnh nhân. Rất nhiều người bị khó thở nhưng họ cũng gặp rất nhiều vấn đề và đủ loại triệu chứng mà các phòng khám phải tiếp cận mạnh hơn trong điều trị”.

Bà Akrami cho biết bà vẫn có triệu chứng COVID-19 dù nhiễm bệnh này cách đây 16 tháng. Bà nói: “Có thể có hàng chục nghìn bệnh nhân COVID-19 kéo dài chịu đựng thầm lặng, không biết triệu chứng của mình có liên quan COVID-19 hay không”.

Theo các nhà nghiên cứu, khi tính tới chuyện nới lỏng biện pháp phòng chống dịch, cần tính tới cả rủi ro biến chứng mà bệnh nhân COVID-19 phải trải qua, chứ không chỉ quan tâm tới ca tử vong. Họ kêu gọi có chương trình sàng lọc quốc gia để hiểu rõ hơn về số người bị ảnh hưởng và biện pháp hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 kéo dài.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-khien-nguoi-mac-chiu-toi-203-di-chung-20210716173904437.htm