Covid-19 làm nữ Việt kiều lỡ đám tang chị gái, mẹ nằm viện chờ con về
Trong thời gian chờ đợi để được bay về Việt Nam, chị gái chị Huyền qua đời vì bệnh, còn mẹ chị đang trong tình cảnh sự sống đếm từng ngày.
Tháng 11/2020, chị Vũ Thị Thanh Huyền, hiện là PGS. TS. Bác sĩ của Trường ĐH Y Northwestern, Chicago, Mỹ nhận tin chị gái ốm nặng.
Lúc này tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang hết sức căng thẳng. Việt Nam cũng hủy hầu hết các chuyến bay thương mại. Chị đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xin được bay về mặc dù không có nhiều hi vọng. “Bởi vì lý do của mình quá phổ biến nên sẽ không thuộc đối tượng ưu tiên” - chị Huyền nói.
Chị gái chị mắc một chứng bệnh lạ. Các bác sĩ không xác định được chính xác nguyên nhân. Từng là bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản trung ương khi còn làm việc ở Việt Nam nên bạn bè chị trong ngành y rất nhiều. Mẫu xét nghiệm của chị gái chị được bạn bè gửi sang Singapore xem xét nhưng cũng không thu được kết quả gì.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chị gái chị lúc ấy đã 66 tuổi bị tấn công vào tế bào não, mất ý thức và suy sụp rất nhanh.
Khoảng 4 tháng sau, chị gái qua đời mà chị không thể có mặt ở đám tang.
Lúc ấy, mẹ chị, năm nay 87 tuổi, đang sống ở Hà Nội nhưng vì khu dân cư có người bị nhiễm Covid-19 nên gia đình quyết định cho bà về quê (Thái Bình) tránh dịch.
Trong thời gian này, bà đổ bệnh. Cơn đột quỵ khiến sức khỏe của bà ngày càng yếu dần. Cộng với nỗi buồn cô con gái cả vừa mất, tinh thần bà ngày càng suy sụp.
“Hiện tại, bà đang nằm trong Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, sống hoàn toàn dựa vào máy móc - không ăn được, không uống được, không nói được. Các bác sĩ phải mở đường khí quản để thở, mở dạ dày để đưa thức ăn vào”.
Chị Huyền chia sẻ, tình hình của bà bây giờ rất căng thẳng, sự sống chỉ đếm từng ngày. “Mỗi lần bà bị sặc đờm dãi, không thở được là một lần cấp cứu. Mỗi lần chọc ống hút là cơ thể bà co dúm lại, rất khủng khiếp”.
Là một bác sĩ ngoại khoa, từng bế trên tay mình rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, máu phun ra đầy người cũng có, chết trên tay chị cũng có, nhưng cứ hình dung mẹ mình phải chịu đựng đau đớn như thế, chị lại thấy xót xa.
Khi sự sống của mẹ chị đang quá mong manh, chị đã viết thư cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xem xét cho hoàn cảnh của mình. “Rất may là các anh ở sứ quán rất tốt, đã xem xét cho tôi vào danh sách dự bị của chuyến bay này. Tôi nhận được thông báo khá sát ngày bay nhưng cũng đã thấy có hi vọng. Cuối cùng thì tôi được lên chuyến bay và đặt chân về Việt Nam vào ngày 9/6”.
Tuy nhiên, sau đó chị mới biết thông tin tất cả hành khách trên chuyến bay phải đi cách ly 21 ngày mặc dù chị thuộc diện đã tiêm vắc-xin từ những đợt đầu tiên ở Mỹ. “Tôi khá bất ngờ và buồn trước thông tin đó. Tất nhiên, mình vẫn phải tuân thủ theo quy định chung”.
Hiện tại, chị Huyền đang được cách ly tại doanh trại quân đội của Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) đã sang ngày thứ 16.
“Mẹ tôi đang rất yếu ớt trên giường bệnh, còn tôi ở đây vô cùng sốt ruột, cứ đi ra đi vào suốt ngày, đếm từng ngày để được về với mẹ”.
Chị Huyền kể, dù cơ thể mẹ chị đang rất mong manh nhưng ý thức vẫn còn khá minh mẫn, vẫn còn hiểu được những gì chị nói. Nên hằng ngày chị vẫn gọi video về cho bà. Hôm trước, từ khu cách ly, chị đã hát bài Về thăm mẹ để tặng mẹ. “Sau khi nghe xong, bà còn vỗ tay mặc dù không nói được gì”.
Chị bảo, mẹ chị cũng là một người hát rất hay, rất nhanh nhẹn, xông xáo. Bà từng là giao liên năm 11 tuổi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cho đến năm ngoái, bà vẫn còn là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường.
“Tôi biết, hiện tại mẹ đang rất đau đớn trên giường bệnh, chỉ nằm chờ con về. Nên nhiều khi tôi vẫn nói bà là một chiến binh thực sự dũng cảm”.
Video: Chị Huyền hát tặng mẹ:
Khi được hỏi về cuộc sống trong khu cách ly, chị bảo chị sống mấy chục năm trời ở xứ lạnh, bây giờ về Hà Nội đúng vào những ngày nắng nóng cao điểm, mà doanh trại quân đội thì không có điều hòa. “Nóng không thể tưởng tượng được” - chị nói.
Tuy nhiên, chị cũng chia sẻ, thấy các đồng chí bộ đội vất vả, lo lắng cho mình như vậy, chị vô cùng cảm động. “Mấy hôm nay nóng khủng khiếp, nhưng tôi cũng hiểu rằng đây là doanh trại quân đội chứ không phải khu nghỉ dưỡng. Việc ăn uống, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày đã có bộ đội lo cho rất ổn. Cả khu cách ly như thế này mà được các chú lo cho như vậy, tôi không thấy có gì phải đòi hỏi hơn”.
“Mặc dù tôi không ăn được nhiều nhưng các chú đã cố gắng hết sức có thể thì mình phải cảm tạ điều đó”.