COVID-19: Nhà trường tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp thế nào?
Nỗ lực tối đa tổ chức cho học sinh lớp 12 được học trực tiếp, tổ chức phụ đạo riêng cho học sinh yếu kém, các nhà trường đang tích cực để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghệp THPT.
Trong khi kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đang đến gần thì dịch COVID-19 lại bùng phát khiến mọi thứ lại đảo lộn. Nhiều trường đã phải cho học sinh dừng đến trường và điều này tác động không nhỏ tới việc học tập của thí sinh…
Để giảm tối đa các tác động tới các sỹ tử, nhiều trường học đã lên kế hoạch tổ chức ôn luyện bởi kỳ thi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng sau 12 năm đèn sách, khi kết quả thi được dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng…
Nhiều hình thức ‘tôi luyện’ sỹ tử
Theo con số được cơ quan giáo dục công bố, cho đến thời điểm hiện tại có 30 tỉnh, thành phải chuyển sang dạy và học trực tuyến. Đây không phải là hình thức mới mẻ, tuy nhiên, với học sinh cuối cấp (lớp 12), phương pháp này gây lo lắng cho nhiều người.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho hay từ khi biết con tạm dừng đến trường, chị vừa mừng vừa lo. Mừng là ở chỗ khi ở nhà, các con có thể an toàn hơn trước dịch bệnh, tuy nhiên việc ôn luyện qua hình thức trực tuyến sẽ khiến cậu học trò lớp 12 vốn có học lực trung bình sẽ khó tiếp thu kiến thức.
Theo thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (Long Biên), nhà trường đã cho học sinh dừng đến trường từ ngày 4/5. Cùng với việc giảng dạy online cho các khối học, học sinh khối 12 được chú trọng đặc biệt, bám sát hướng dẫn ôn tập của Sở cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, ngay sau khi kết thúc chương trình năm học, cùng với lớp ôn tập chung, nhà trường sẽ cho học sinh lớp 12 đăng ký ôn tập riêng theo các ban tự nhiên, xã hội để phù hợp với năng lực và nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
“Mọi hoạt động ôn tập đều được trường tổ chức không thu phí của học sinh,” ông Xuân cho hay.
Trong khi đó, ở nhiều địa phương, việc tạm dừng cho học sinh đến trường dù được thực hiện nhưng lại “đặc cách” cho học sinh cuối cấp bởi kỳ thi đang đến rất gần.
Ví dụ như Quảng Ninh, bắt đầu từ hôm nay, 10/5, học sinh trên toàn tỉnh sẽ tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, với học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn đến trường nhưng mỗi phòng học bố trí không quá 20 học sinh, đảm bảo giãn cách người với người tối thiểu 1m trong thời gian ở trường và khi tan trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt hằng ngày, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, duy trì vệ sinh trường, lớp...
Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh các bậc học cũng bắt đầu chuyển sang học trực tuyến từ hôm nay. Riêng học sinh lớp 9 và lớp 12, tùy theo điều kiện cụ thể, hiệu trưởng các trường có thể cân nhắc, xây dựng phương duy trì tổ chức học tập trực tiếp nhưng phải chịu trách nhiệm đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và cán bộ, giáo viên.
Tại Điện Biên, học sinh trung học dừng đến trường từ ngày mai, 11/5, nhưng học sinh khối 12 sẽ vẫn đến trường học trực tiếp và phải đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Rèn riêng cho học sinh yếu
Cùng với việc linh hoạt các hình thức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở giáo dục cũng đặc biệt chú trọng phương thức ôn tập, đặc biệt cho học sinh yếu kém.
Ngoài thời gian học chính khóa tại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh yêu cầu các trường chủ động triển khai dạy học trực tuyến và hình thức dạy học phù hợp khác để hỗ trợ cho học sinh ôn thi đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho hay hiện tình hình dịch bệnh ở địa phương này vẫn đang được kiểm soát tốt, chưa xuất hiện nhiều các ca lây nhiễm trong cộng đồng như các địa phương khác nên các em học sinh vẫn đến trường đề được học trực tiếp. Từ ngày mai (11/5) tới hết ngày 16/5, Sở sẽ tổ chức tập huấn trực tiếp cho các tổ trưởng bộ môn, các giáo viên về công tác ôn tập cho học sinh theo từng nhóm đối tượng, nhất là học sinh trung bình và yếu.
Thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) thì cho biết nhà trường đã lập danh sách học sinh lớp 12 có học lực trung bình, yếu để tổ chức ôn tập riêng.
“Khi phải chuyển sang học online chúng tôi vẫn duy trì lớp học này như khi học trực tiếp. Dù học trực tuyến không thể hiệu quả bằng trực tiếp nhưng cả thầy, trò, phụ huynh và nhà trường đều đang nỗ lực khắc phục những khó khăn do dịch bệnh để ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi,” thầy Xuân chia sẻ./.
Có thể thi tốt nghiệp THPT làm nhiều đợt
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các kịch bản cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp, kỳ thi sẽ có thể tổ chức thành nhiều đợt theo nguyên tắc nơi nào an toàn, không phải giãn cách xã hội, sẽ tổ chức thi ở nơi đó.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi đảm bảo yêu cầu này," ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, đề thi sẽ tập trung trong chương trình lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản theo đúng mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh.