COVID-19 tại ASEAN hết 20/9: Indonesia ca mắc mới thấp nhất sau hơn 1 năm; Philippines mở lại trường học

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng xấp xỉ 253.000 ca tử vong. Trong 1 ngày qua, cả khối chứng kiến thêm 57.440 ca mắc bệnh COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” chỉ ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới, mức thấp nhất sau hơn 1 năm.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.

Du khách trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực trong 1 ngày qua.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/9 ghi nhận thêm trên 1062.700 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 171 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Binan, tỉnh Laguna, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Binan, tỉnh Laguna, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 622 bệnh nhân mới và 14 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 253.386 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 950 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,5 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,4 triệu trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 20/9:

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia số ca mắc mới COVID-19 trong ngày thấp nhất sau hơn 1 năm

Ngày 20/9, Indonesia ghi nhận 1.932 ca mắc COVID-19 mới, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Theo Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư kiêm điều phối viên giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, so với đỉnh dịch hồi tháng 7, số ca mới đã giảm tới 98%. Đến nay, quốc gia từng là tâm dịch COVID-19 tại châu Á đã ghi nhận tổng cộng gần 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 140.000 cả tử vong.

Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại có thể coi như Indonesia đã khống chế được dịch bệnh khi tỷ lệ số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong tổng số người xét nghiệm trong tháng 9 này đã xuống dưới 4%, thấp hơn 5% - mức quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một quốc gia khống chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Luhut cảnh báo vẫn còn nguy cơ các làn sóng dịch bệnh mới mà một trong những nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao là từ người nhập cảnh. Do đó, ông nhấn mạnh cần tăng cường thực hiện quy định cách ly nghiêm ngặt tại các khu vực xuất nhập cảnh trong bối cảnh Indonesia từ ngày 20/9 nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Cảnh sát kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một chốt kiểm soát ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một chốt kiểm soát ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines thí điểm mở cửa trở lại 120 trường học các cấp

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định cho phép thí điểm mở cửa trở lại các trường học ở những khu vực có nguy cơ thấp về lây nhiễm COVID-19. Theo thông báo của Bộ Giáo dục Philippines ngày 20/9, sẽ có 120 trường học tham gia chương trình thí điểm kéo dài 2 tháng này.

Philippines là 1 trong số 17 quốc gia trên thế giới đóng cửa các trường học trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành vừa qua. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thanh thiếu niên nước này đã có "18 tháng không tới trường".

Theo chủ trương trước đó của Tổng thống Duterte, Philippines sẽ đình chỉ việc học tập trực tiếp cho đến khi người dân được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, nếu không quốc gia này sẽ đối mặt “thảm họa” khi đang là một trong số những tâm dịch tồi tệ nhất tại châu Á.

Bộ trưởng Giáo dục Philippines, Leonor Briones cho biết trong chương trình mở cửa thí điểm, mỗi buổi học sẽ chỉ diễn ra trong 3-4 giờ và các học sinh tham gia các lớp học theo hình thức trực tiếp này cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Chương trình thí điểm sẽ được thực hiện tại 100 trường công lập và 20 trường tư thục, với số lượng học sinh giới hạn ở mức 12 người đối với lớp mẫu giáo, 16 học sinh ở các lớp 1, 2 và 3; trong khi cấp trung học phổ thông được phép có tối đa 20 học sinh/lớp.

Du khách dạo chơi trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Du khách dạo chơi trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng

Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu một nửa dân số nước này được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào tháng tới, trước khi hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho khoảng 50 triệu người, tức 70% dân số, vào cuối năm nay.

Số liệu được công bố ngày 19/9 cho thấy hiện có khoảng 43,7% dân số Thái Lan được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết các cơ quan y tế đang lên kế hoạch để khắc phục và đạt ít nhất 50% dân số quốc gia được tiêm chủng ít nhất một liều vào cuối tháng 9. Để thực hiện điều này, Bộ Y tế Thái Lan lên kế hoạch tiêm chủng ít nhất 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 24/9. Ông Opas cho biết sáng kiến này nhằm tăng tốc các nỗ lực mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế, ngay trước mùa cao điểm du lịch vào tháng 11 và tháng 12.

Hiện 4 loại vaccine đang được sử dụng ở Thái Lan là của các hãng Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca và Pfizer đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt về tính hiệu quả và an toàn.

Về tình hình COVID-19, Thái Lan ngày 20/9 ghi nhận thêm 12.709 ca mới cùng 106 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.489.186 ca, trong đó có 15.469 người không qua khỏi.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-209-indonesia-ca-mac-moi-thap-nhat-sau-hon-1-nam-philippines-mo-lai-truong-hoc-20210921000624896.htm