COVID-19 tới 6 giờ ngày 4/12: Thế giới thêm 7.000 ca tử vong; WHO khuyến nghị cập nhật vaccine

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 660.805 trường hợp mắc COVID-19 và 7.030 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 265 triệu ca, trong đó trên 5,25 triệu người không qua khỏi.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 265.115.695 ca, trong đó có 5.257.124 người tử vong.

Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Melbourne, Australia ngày 11/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Melbourne, Australia ngày 11/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 120.000 ca), trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.200 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 238 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 21 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 3/12, thế giới có 119 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viên ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 4/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viên ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 4/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đang ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước châu Á- Thái Bình Dương cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian, nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.

Ông Kasai nhấn mạnh các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới mà quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay. Vì vậy, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát do biến thể Delta. Theo đó, các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/12/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/12/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước những diễn biến của tình hình dịch bệnh, các quan chức Hàn Quốc quyết định hủy bỏ việc nới lỏng các quy tắc về giãn cách xã hội đã được thông qua trong khuôn khổ Kế hoạch sống chung với COVID-19.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum khẳng định chính phủ sẽ thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh và nếu cần thiết, sẽ nhanh chóng áp dụng các biện pháp tăng cường. 4 tuần kể từ ngày 3/12 sẽ được coi là "thời kỳ phòng chống dịch đặc biệt".

Quy định mới sẽ giới hạn các cuộc tụ tập riêng tư xuống 6 người ở thủ đô và 8 người ở các khu vực khác. Nhà hàng, quán cà phê sẽ được thêm vào danh sách các cơ sở yêu cầu phải có "Thẻ thông hành phòng dịch", chứng nhận đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính khi vào cửa. Tính đến nay, số người tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể Omicron được xác nhận ở Hàn Quốc đã tăng lên khoảng 1.000 người chỉ trong một ngày.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 25/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 25/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Israel cũng đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron, theo đó, sẽ ban hành một số quy định mới, trong đó có việc phạt tới 2.500 NIS (gần 800 USD) đối với những người nhập cảnh không thực hiện xét nghiệm PCR. Đến nay, Israel đã ghi nhận 7 ca nhiễm biến thể nói trên. Ngoài ra, 27 trường hợp nghi nhiễm khác đang đợi kết quả xét nghiệm chính thức.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cảnh báo nước này đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát do biến thể Omicron. Tính đến nay, các ca mắc biến thể mới đã được ghi nhận tại 7 trong tổng số 9 tỉnh ở Nam Phi. Tuy nhiên, ông khẳng định hệ thống y tế và bệnh viện hiện vẫn hoạt động bình thường.

Tại châu Âu, hai bang Geneva và Vaud của Thụy Sĩ đã tiến hành cách ly 2.000 người, phần lớn là trẻ em, sau khi phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron tại một trường quốc tế. Hiện nhà chức trách đang tiến hành xét nghiệm tất cả những người cách ly để rà soát có thêm trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron hay không. Ngay sau đó, Thụy Sĩ đã thông báo siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc. Chỉ người dân đã tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh mới được phép tham gia các sự kiện hoặc đến địa điểm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/12 đến ngày 24/1/2022.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Oslo, Na Uy ngày 27/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Oslo, Na Uy ngày 27/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Na Uy đang có nguy cơ trở thành ổ dịch biến thể Omicron lớn nhất khu vực châu Âu khi đã ghi nhận 5 trường hợp nhiễm biến thể này trong một ổ dịch COVID-19 gồm khoảng 50 người. Bên cạnh đó, ít nhất 17 người nghi nhiễm biến thể Omicron sau khi dự một bữa tiệc với hơn 100 người vào tuần trước. Trong số những người dự tiệc này có một người từng tới miền Nam châu Phi ít ngày trước đó.

Trước đó, Na Uy đã quyết định tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, bắt buộc người nhập cảnh, cả người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, đều phải tiến hành xét nghiệm với COVID-19 trong 24 giờ sau khi nhập cảnh.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Bỉ đã tiến hành phiên họp khẩn cấp hôm 3/12 để quyết định về các biện pháp cần thiết mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn.

Người dân giữ khoảng cách an toàn khi vào mua sắm tại một cửa hàng trên phố Kalverstraat, Amsterdam, Hà Lan nhằm phòng dịch COVID-19 lây lan, ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân giữ khoảng cách an toàn khi vào mua sắm tại một cửa hàng trên phố Kalverstraat, Amsterdam, Hà Lan nhằm phòng dịch COVID-19 lây lan, ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Bỉ, một trong những biện pháp mới được Chính phủ của Thủ tướng Alexander De Croo đưa ra là yêu cầu tất cả các học sinh từ 6 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang tại lớp học, do tốc độ lây nhiễm bệnh ở nhóm đối tượng ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, chính phủ cũng quy định các lớp học phải trang bị thiết bị đo lượng khí CO2 và phải dừng hoạt động nếu có từ 2 trường hợp nhiễm bệnh trở lên. Các biện pháp này sẽ được áp dụng kể từ ngày 6/12.

Trong khi đó, toàn bộ các trường mẫu giáo và tiểu học sẽ nghỉ lễ từ ngày 20/12, sớm hơn 5 ngày so với lịch ban đầu. Đối với bậc trung học, các trường phải tổ chức dạy học theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, riêng các kỳ thi diễn ra trực tiếp. Đối với các trường đại học, Chính phủ Bỉ phân quyền cho Bộ trưởng Giáo dục Đại học của các vùng tự đưa ra các biện pháp phù hợp dựa trên cơ sở tham vấn các trường.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 27/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 27/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Pháp thông báo hiện có 9 ca được xác định nhiễm biến thể Omicron. Trước đó, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp nhận định Omicron có thể trở thành một biến thể chủ đạo ở nước này vào cuối tháng 1/2022.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch thông báo kể từ tháng 1/2022, chứng chỉ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của nước này chỉ có thời hạn trong vòng 9 tháng. Để gia hạn hiệu lực, người dân cần được tiêm mũi nhắc lại. Quy định về thời hạn giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ được áp dụng cho tất cả những người đã được tiêm chủng, bao gồm cả những người đã được tiêm trong năm nay.

Trước nguy cơ biến thể Omicron có thể trở thành chủng virus phổ biến trong các ca nhiễm mới tại châu Âu trong vòng vài tháng tới, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon, mới đây đã đưa ra khuyến nghị về cách “tiếp cận đa tầng”, bao gồm vaccine, giữ khoảng cách và thông gió đầy đủ cùng với việc xét nghiệm COVID-19 và cách ly những người trở về từ các nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này. Trước đó, ECDC đã cảnh báo biến thể Omicron có thể chiếm hơn 50% số ca mắc COVID-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong những tháng tới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Australia ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Australia ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia cũng thông báo ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên biến thể Omicron trong cộng đồng tại một trường học ở thành phố Sydney. Cơ quan Y tế bang New South Wales cho biết những ca nhiễm nói trên không có lịch sử di chuyển ra nước ngoài, cũng như không tiếp xúc với người nào từng đi nước ngoài.

Australia đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế các chuyến bay từ Nam Phi, sau khi nước này thông báo ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron hôm 25/11 vừa qua. Trong những ngày gần đây, Australia đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể Omicron, nhưng đều là các trường hợp nhập cảnh và đã được cách ly.

Trước những quan ngại về biến thể mới Omicron, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho rằng các hãng dược phẩm nên chuẩn bị cho “kịch bản” phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19. Ông cho biết WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron. Tính đến ngày 3/12, thế giới chưa có ca tử vong nào liên quan Omicron, mặc dù số ca nhiễm biến thể này ngày càng gia tăng tại nhiều nước.

Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) công bố. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) công bố. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cũng cho biết Omicron rất dễ lây truyền, nhưng mọi người không nên hoảng sợ. Theo bà, các nước nên có những biện pháp ứng phó "phù hợp và thận trọng", không nên lo lắng thái quá khi đối mặt biến thể mới, do "chúng ta đang ở trong một tình huống khác với năm trước” và thế giới hiện đã được phòng vệ tốt hơn nhiều với sự ra đời của vaccine ngừa COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.578 ca mắc mới COVID-19 và 407 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã trên 14.166.000 trường hợp và 293.177 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Singapore, Lào và Việt Nam.

Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi, ngày 3/12, thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.

Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 3/12, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 20 trường hợp, cao thứ hai khu vực sau Việt Nam.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 521, song tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Việt Nam ngày 3/12 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 13.000 ca mắc mới và 200 ca tử vong.

Du khách tại cố đô Luang Prabang của Lào giữa mùa đại dịch COVID-19. Ảnh: FP

Du khách tại cố đô Luang Prabang của Lào giữa mùa đại dịch COVID-19. Ảnh: FP

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/12 ghi nhận thêm trên 4.900 ca bệnh mới và 33 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 23 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.

Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/aacovid19-toi-6-gio-ngay-412-the-gioi-them-7000-ca-tu-vong-who-khuyen-nghi-cap-nhat-vaccine-20211204064331141.htm