COVID-19: Ý ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm SARS-CoV-2

Ý có hơn 10.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 - Nguồn: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong ngày 10/3, Ý ghi nhận thêm 977 ca dương tính với chủng mới của vi rút Corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 10.149 trường hợp.

Số ca tử vong do dịch bệnh được ghi nhận trong ngày là 168 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong tại Ý lên 631 trường hợp. Có tổng số 1.004 ca đã hồi phục, tăng 280 trường hợp so với ngày 9/3.

Trong khi đó, lãnh đạo vùng Lombardy dự định sẽ đề xuất với Chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh tại vùng này, theo đó sẽ đình chỉ tất cả các hoạt động thương mại, đóng cửa các cửa hàng và trung tâm thương mại, ngoại trừ các cơ sở cung cấp thực phẩm và hiệu thuốc, hoạt động giao thông công cộng cũng sẽ bị đình chỉ.

Theo hãng thông tấn ANSA của Ý, tập đoàn Armani đã quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn ở Milan từ 18h ngày 10/3. Thông báo của tập đoàn này cho biết mục đích của việc đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh tại TP Milan nhằm bảo vệ sức khỏe của các nhân viên và khách hàng trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh tại vùng Lombardy.

Trước đó, Armani là thương hiệu thời trang đầu tiên thực hiện buổi trình diễn thời trang mà không có khán giả trong ngày cuối cùng của Tuần lễ thời trang Milan. Tập đoàn Armani cũng đã quyên góp số tiền 1,25 triệu euro cho các bệnh viện và Cơ quan Bảo vệ Dân sự nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Còn theo tờ La Repubblica của Ý, ngày 10/3, chính quyền Áo đã cử một đội cảnh sát và nhân viên y tế đến khu vực biên giới trên đèo Brenner giữa Ý và Áo nhằm kiểm tra y tế bắt buộc đối với tất cả những người đi qua để vào lãnh thổ Áo.

Những người đi qua biên giới, đa phần là người Áo và Đức trở về sau chuyến đi du lịch tại Ý, sẽ được các nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt. Giao thông thương mại hàng hóa vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, Áo cũng đã cho đóng cửa các trường đại học và chuyển sang hình thức giảng dạy trực truyến cho đến lễ Phục sinh.

La Repubblica cũng đưa tin, ngày 10/3, Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi mọi người có “trách nhiệm” và thái độ “hợp tác” với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh tại Ý.

Trong khi đó, hoạt động của các nhà thờ tại Ý đã được đình chỉ từ ngày 9/3 nhằm thực hiện Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của Chính phủ Ý. Vatican cũng thông báo dừng tất cả các hoạt động nghi lễ tôn giáo được cử hành công khai, bao gồm cả lễ an táng và đóng cửa quảng trường St. Peter cho tới ngày 3/4.

Pháp xác nhận 1.784 ca nhiễm SARS-CoV-2, tăng 372 người trong vòng 24 giờ qua, trong đó 86 bệnh nhân trong tình trạng nặng. Trong số 33 trường hợp tử vong (tăng 3 người so với ngày trước đó), 23 người từ 75 tuổi trở lên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/3 cảnh báo rằng Pháp chỉ mới ở thời kỳ đầu của dịch COVID-19 khi vi rút SARS-CoV-2 tiến đến trung tâm quyền lực của bộ máy chính trị Pháp. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester tối 9/3 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Chánh văn phòng Phủ Tổng thống cũng đang tự cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Các biện pháp khẩn cấp được áp dụng để bảo vệ Tổng thống Macron như các cuộc họp trực tuyến được tăng cường thay cho các cuộc gặp gỡ truyền thống. Chính phủ của ông Macron đang đi đầu trong việc thúc đẩy đầu tư tài chính ở châu Âu để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế vì dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn cầu.

Cùng ngày, Tổng thống Macron đã đến thăm một bệnh viện nhi tại Paris và kêu gọi người dân Pháp giữ bình tĩnh, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, ông cảnh báo: "Chúng ta chỉ mới ở thời điểm bắt đầu dịch”.

Liên quan đến tình hìn dịch bệnh, trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York dự kiến sẽ tạm ngừng đón khách tham quan do lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp tục lan rộng. Trong thông cáo phát đi ngày 10/3, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Ban thư ký Liên Hợp Quốc đã quyết định tạm ngừng cho khách tham quan và tạm ngừng các tours tham quan cũng như giảm thiểu số nhân viên làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc trong thời gian tới nhằm đối phó với dịch. Theo ông Dujarric, hiện Liên Hợp Quốc chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm chủng mới của vi rút corona SARS-CoV2 gây bệnh COVID-19 tại các tòa nhà của Liên Hợp Quốc.

Cũng trong ngày 10/3, giới chức Iran thông báo đã xác nhận thêm 54 ca tử vong do vi rút SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua tại nước này. Đây là con số tử vong cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết các ca tử vong mới nhất đã nâng tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 291 người. Ngoài ra, Iran cũng có thêm 881 trường hợp xác định nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.042 trường hợp.

Tại Hàn Quốc, sáng 11/3, Cơ quan quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh ở nước này, trong đó cho biết tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 7.755 ca, tăng thêm 242 ca so với báo cáo chiều 10/3. Số ca tử vong tăng thêm 6 ca lên 60 ca. Số ca hồi phục là 288 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, phần lớn số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tập trung tại các thành phố Daegu, Cheongdo và Gyeongsan. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm tại thủ đô Seoul lại gia tăng khi có tới thêm 90 ca nhiễm SARS-CoV-2 liên quan tới một tổng đài điện thoại tại tây nam Seoul.

Theo thị trưởng Park Won-soon, đây là số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất ghi nhận tại khu vực thủ đô, nơi có 25 triệu người sinh sống. Hiện tất cả các bộ ngành ở Hàn Quốc đã bố trí ca trực làm việc 24/24 để kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với các du khách từ Hàn Quốc.

Đài NHK của Nhật Bản ngày 11/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 59 ca mắc bệnh COVID-19 và đây là ngày có số ca nhiễm mới tăng nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản tới thời điểm này đã lên tới 1.278 trường hợp, trong đó có 696 ca trên du thuyền Diamond Princess và 14 người trở về từ Trung Quốc trong chuyến bay thuê bao của Chính phủ Nhật Bản. Đáng chú ý trong số các ca mới mắc bệnh có một trường hợp ở tỉnh Hyogo, miền Tây Nhật Bản.

Trước đó, ngày 10/3, Nội các Nhật Bản đã nhất trí về dự luật cho phép Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này. Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Theo dự kiến, dự luật này sẽ được đưa ra thông qua tại Hạ viện vào ngày 12/3 và Thượng viện ngày 13/3 tới.

Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia đã xác nhận thêm 8 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 27 trường hợp. Các bệnh nhân này có độ tuổi từ 33-73, trong đó có 2 trường hợp là người nước ngoài.

Tại Thái Lan, Bộ Y tế công nước này thông báo đã xác nhận thêm 3 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh này tại đây lên 53 trường hợp. Tất cả những người này đều là công dân Thái Lan.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Panama ngày 10/3 xác nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thông tin trên được công bố 1 ngày sau khi quốc gia Trung Mỹ này thông báo về ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này.

Trong khi đó, Bolivia và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Bộ trưởng Y tế Bolivia Anibal Cruz ngày 10/3 thông báo, nước này ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm chủng mới của vi rút corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo một nam bệnh nhân đã xét nghiệm dương tính với vi rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Thổ Nhĩ Kỳ và bệnh nhân đang được cách ly.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 10/3, Thụy Sĩ đã thông báo ca tử vong thứ 3 do bệnh COVID-19 là một bệnh nhân nam 80 tuổi có vấn đề sức khỏe từ trước. Ông này đã tử vong trong một bệnh viện ở bang Ticino. Thụy Sĩ là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 trên toàn thế giới với hơn 350 trường hợp nhiễm bệnh và 3 trường hợp tử vong được xác nhận.

Như vậy, đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã xuất hiện và lây lan tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đến lúc này là 118.907 người và số ca tử vong là 4.270 người.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236072/covid-19--y-ghi-nhan-hon-10-000-ca-nhiem-sars-cov-2.html