CSGDĐH dự kiến mở thêm nhiều ngành, chương trình đào tạo đại học mới từ năm 2025
Đến nay, có một số trường đại học dự kiến mở thêm ngành/chương trình đào tạo mới trong năm 2025 nhằm mở ra nhiều cơ hội ngành nghề cho các thí sinh.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương thức tuyển sinh 2025, đồng thời, một số trường đại học đã thông tin về việc dự kiến mở thêm ngành, chuyên ngành và chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách đào tạo Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, ngoài 5 ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo từ nhiều năm nay, trong năm 2025, trường dự kiến mở thêm tối thiểu 2 ngành đào tạo mới là Kinh doanh quốc tế và Tài chính - ngân hàng. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của năm 2025 sẽ tăng mạnh từ 3.210 (năm 2024) chỉ tiêu lên 4.000 chỉ tiêu.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thực hiện tuyển sinh theo 3 phương thức, cụ thể như sau:
Phương thức 1: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường (có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương IELTS 6.5 trở lên, kết quả thi SAT, điểm thi V-SAT...).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2025, Đại học tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Cụ thể là các ngành về năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân), các ngành về logistics mới (phục vụ vận hành metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc).
Bên cạnh đó, sẽ phát triển chương trình thu hút bồi dưỡng học sinh giỏi, chương trình đào tạo tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Trường Đại học Thương mại
Theo đại diện Phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Thương mại), năm 2025, nhà trường mở 7 chương trình đào tạo mới, những chương trình này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ngành Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (ngành Kinh tế), Luật kinh doanh (ngành Luật kinh tế), Thương mại điện tử (ngành Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (ngành Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (ngành Ngôn ngữ Trung Quốc).
Mỗi chương trình đào tạo mới dự kiến sẽ tuyển 80-100 sinh viên chính quy. Trường Đại học Thương mại sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.
Ngoài ra, Trường Đại học Thương mại dự kiến năm 2025 sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác. Mức giảm này sẽ đảm bảo vừa phải, không giảm nhanh vì phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được coi là thang đo chung để so sánh giữa các trường.
Đại diện Phòng Truyền thông và Tuyển sinh cũng cho biết, Trường Đại học Thương mại dự kiến sẽ công bố đề án tuyển sinh chính thức vào khoảng tháng 2-3/2025 .
Trường Đại học Gia Định
Theo thông tin tuyển sinh trên website Trường Đại học Gia Định, nhà trường dự kiến bổ sung 6 ngành mới bậc đại học năm 2025, bao gồm: Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Răng Hàm Mặt, Trí tuệ nhân tạo, Ngôn ngữ Trung Quốc, Tâm lý học.
Năm 2025, Trường Đại học Gia Định dự kiến áp dụng 3 phương thức tuyển sinh chính: Xét kết quả học bạ trung học phổ thông; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 2025.
Riêng đối với lĩnh vực sức khỏe, trường xét kết quả học bạ trung học phổ thông hoặc xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, để trúng tuyển, thí sinh cần đảm bảo ngưỡng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định năm 2025.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Đại học Gia Định), cho biết năm nay, nhà trường dự kiến dành 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển học bạ.
Căn cứ theo dự thảo Quy chế tuyển sinh, Trường Đại học Gia Định sẽ sử dụng kết quả học tập của các học kỳ trong 2 năm lớp 11 và 12 để xét tuyển. Đồng thời, trường cũng sẽ áp dụng các tổ hợp mới, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng học tập của thí sinh.
Tiến sĩ Mai Đức Toàn cho biết thêm, không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển, Trường Đại học Gia Định còn dự kiến công bố các tổ hợp mới và bổ sung các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Thời gian xét tuyển dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 01/2025, tạo điều kiện để thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ và lựa chọn ngành học phù hợp.
Trường Đại học Cần Thơ
Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương mở các ngành mới ở trình độ đại học và thạc sĩ. Dự kiến, các ngành này sẽ được tuyển sinh đào tạo từ năm 2025.
Trong đó, các ngành đào tạo đại học chính quy mới dự kiến bao gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Trí tuệ nhân tạo, Thú y (chất lượng cao), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chất lượng cao), Tâm lý giáo dục, Thương mại điện tử, Luật dân sự và tố tụng dân sự.
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV)
Năm 2025, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam sẽ mở thêm 6 chương trình đào tạo bậc cử nhân và một chương trình đào tạo bậc thạc sĩ. Các chương trình đào tạo này thuộc khối ngành Quản trị và Kinh doanh; Khoa học Máy tính và Công nghệ; Truyền thông và Sáng tạo; Du lịch và Khách sạn.
Cụ thể, 6 chương trình bậc cử nhân là: Khoa học dữ liệu và Phân tích Kinh doanh; Quản trị và Đối mới Kỹ thuật số (được cấp bằng bởi Đại học London và chỉ đạo học thuật bởi Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London); Sản xuất Phim và Truyền thông (được cấp bằng bởi Đại học Nghệ thuật Bournemouth); Kỹ thuật phần mềm (được cấp bằng bởi Đại học Stirling); Quản trị du lịch, Quản lý tổ chức sự kiện (được cấp bằng bởi Đại học Bournemouth).
Chương trình cử nhân tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam có một số yêu cầu như sau:
Yêu cầu học thuật: Ứng viên đã hoàn thành chương trình lớp 12 (hoặc tương đương).
Yêu cầu tiếng Anh: thỏa mãn 1 trong các điều kiện sau:
IELTS: Đạt điểm trung bình 4.5, trong đó không kỹ năng nào dưới 4.0
Hoàn thành chương trình IELTS Foundation tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam
Có kết quả đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào ở trình độ trung cấp (Intermediate).
Trường Đại học FPT
Năm 2025, Trường Đại học FPT cũng dự kiến mở thêm 6 chuyên ngành mới (thuộc ngành Luật và Quản trị kinh doanh), có triển vọng trong tương lai: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế.
Trường Đại học FPT đã công bố phương thức tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2025 gồm: Xét kết quả xếp hạng học sinh trung học phổ thông, xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Nhiều năm qua, Trường Đại học FPT duy trì 3 phương thức xét tuyển gồm: Xếp hạng học sinh trung học phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển thẳng. Năm nay, trường xét tuyển thêm một phương thức là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm trúng tuyển sẽ được công bố cụ thể sau khi có kết quả của các kỳ thi này.